-tại sao lại có tết trung thu?
Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Tàu. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng tám âm lịch. Trong đêm Trung Thu, trăng rất tròn và trong sáng. Trời thật đẹp và không khí mát mẻ. Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát. Trong giờ phút tuyệt vời ấy nhà vua quên cả trời gần sáng. Đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn bàng hoàng luyến tiếc.
Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm tháng tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng trong khi nhà vua cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng ngắm đoàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám đã trở thành phong tục của dân gian.
Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám âm lịch là do ở điển tích ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng. Vì ngày rằm tháng tám là ngày sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.
Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.
Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.
Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Trẻ em được người lớn chú ý săn sóc. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị quở mắng là “ăn kẹo hư răng.”
Cũng có truyền thuyết cho rằng đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên vào năm đó, đêm rằm tháng Tám trời thật đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, say cảnh đẹp của trời đất, nhà vua ngự chơi ngoài thành mãi đến trời khuya. Lúc đó, một ông già râu tóc bạc phơ trắng như tuyết chống gậy đến bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:
- Bệ hạ có muốn lên cung trăng không?
Nhà vua liền trả lời là có. Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vòng, một đầu giáp cung trăng, một đầu ăn xuống đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vòng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những tiên nữ nhan sắc với xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ hay, nhảy múa theo những vũ điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng nghìn tía.
Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông đưa nhà vua trở lại cung điện. Về đến trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nên để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Trông trăng.
Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả người Pháp P.Giran cũng từng viết trong “Magie et Religions Annamites, Paris: Challamet, 1912" về Tết Trung Thu: Từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.
Ngoài ra cũng có một số truyền thuyết khác về nguồn gốc tết trung thu, nhưng thiên về sự hưởng lạc của vua chúa thời xưa nên tôi không gởi.
ngày xưa các trẻ em vui chơi trung thu như thế nào?
Ngày đó, cuộc sống vất vả nhưng trẻ con rất háo hức và luôn chờ đợi tết Trung thu. Trong suy nghĩ của người lớn và trong tâm hồn của trẻ thơ, không khí của ngày tết Trung thu có trước hàng tháng.
Trong mùa Trung thu, cả khu phố nhộn nhịp, rực rỡ đèn hoa và những hoạt động vui chơi dành cho trẻ em.Tết Trung thu là của trẻ thơ, nên trong dịp này các em được ngắm nhìn rất nhiều thứ đồ chơi: đèn ông sao, đèn kéo quân, trống ếch, những con giống nhỏ xinh.
Đèn kéo quân hay còn được gọi là đèn cù là một loại đồ chơi quen thuộc của trẻ em mỗi dịp Trung thu về bên cạnh những đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ... Đối với trẻ em hồi xưa, có thể nói đèn kéo quân là một loại đồ chơi "xa xỉ" đáng mơ ước vì độ cầu kì để làm ra nó so với các loại đèn Trung thu khác.
Gọi là "kéo quân" do hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước. Sau này, hình ảnh trên đèn được mở rộng với những hình ảnh quê hương quen thuộc với trẻ em như mục đồng chăn trâu, đi cấy hay những con vật, cây cối quen thuộc với tuổi thơ.
Chơi thoải mái và cười đùa thoải mái, chả người lớn nào can thiệp, tham dự. Thế nên xem lại những hình ảnh Trung Thu trước kia, thấy trẻ em ngày xưa có thật nhiều ký ức đẹp:
kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất của bạn về 1 mùa trung thu bạn đã trải qua ,và cảm nhận của bạn về trung thu bây giờ so với trung thu ngày xưa:
Mình cũng đã đc trải qua nhiều dịp tết trung thu, kỉ niệm để lại trong mình cũng không ít nhưng kỷ niệm mình kể sau đây tuy ko phải là kỷ niệm vui nhưng mình sẽ không bao giờ quên nó. Chuyện xảy ra vào dịp tết năm mình học lớp 1. Gia đình mình lúc đó cũng rất khó khăn nên không có điều kiện để chơi đèn ông sao. Nhìn mấy thằng bạn nó cầm đèn ông sao màu đỏ sao vàng chạy quanh mình, chúng nó trêu ngươi tức không chịu được, thế là mình với mấy đứa hàng xóm chơi thân rủ nhau làm ra một cái đèn thật to để "chơi" lại tụi nó. Cả nhóm thằng lớn nhất 9 tuổi, bé nhất là 4 tuổi nhưng đứa nào cũng rất hăng hái làm việc. Tụi mình đã tìm được một cái bao tải bằng ni lông rất to, thế là mấy đữa nảy ra ý kiến làm cái đèn tựa như hình dáng cái đèn kéo quân. Mình đục thủng 4 cái lỗ ở miệng tải rồi cho 2 cái que xiên qua ở giữa có đặt 1 thanh nến. Sau khi công việc được hoàn tất đứa nào cũng hí hửng,.. Lửa châm lến cái đèn từ từ rời khỏi mặt đất, thằng nào mặt cũng rất vui sướng hò reo. Chiếc đèn bay lên tầm 3 mét thì gió thổi đèn mắc vào cái cột điện đầu nhà, lửa bén sang bao tải cháy lên rất nhanh. Mấy đứa hoảng loạn cháy hết. Và tối hôm đó mình đã bị một trận no đòn. Tuy đau lắm nhưng mà thấy thật là vui. Giờ cứ mõi dịp tết trung thu đến những hình ảnh đó lại tái hiện trong tâm trí của mình. Ôi cái thời trẻ con, ấu trĩ,..mà vui ghê!
Trung thu xưa và nay đã thay đổi rất nhiều.
Cuộc sống ngày nay tất bật hơn, đầy đủ hơn và thậm chí có thừa những điều kiện về vật chất. Thế nhưng… không khí của tết Trung thu chỉ được cảm nhận như một ngày bình thường, người lớn thờ ơ và trẻ nhỏ cũng không chờ đợi ngày tết lớn như xưa.
Trên các con phố của Hà Nội, chúng ta vẫn thấy không khí mua bán nhộn nhịp, nhưng chuyện mua bán giờ đã trở thành buôn bán. Đến giáp rằm hoặc chính rằm, người dân mới đi mua sắm và chuẩn bị sơ sài cho ngày tết của trẻ. Còn trẻ em, chúng “chờ đợi” được mua những món quà đắt tiền, đồ chơi điện tử hiện đại và “khác người”…
câu chuyện tết trung thu:
1. Sự tích Thỏ Ngọc
Tương truyền vào thời xa xưa, có một cặp thỏ tu luyện ngàn năm, đắc đạo thành tiên. Chúng có bốn chú thỏ con trắng tinh và đáng yêu. Một hôm, Ngọc Hoàng thượng đế triệu kiến thỏ chồng lên thiên cung. Khi đến Nam thiên môn , nhìn thấy Thái Bạch Kim Tinh dẫn theo thiên tướng áp giải Hằng Nga đi ngang. Thỏ tiên không biết đã xảy ra chuyện gì, liền hỏi một vị thần gác cửa. Sau khi nghe xong hoàn cảnh của Hằng Nga , Thỏ tiên cảm thấy Hằng Nga chỉ vì giải cứu bách tính mà vô tình chịu tội, nên rất thương cảm. Nghĩ đến Hằng Nga một mình bị nhốt ở cung trăng, cô đơn đau khổ, nếu có người ở với nàng thì thật tốt, chợt nghĩ đến bốn con của mình, Thỏ tiên đã lập tức bay trở về nhà.
Thỏ tiên đem câu chuyện Hằng Nga kể với vợ và nói muốn đưa một thỏ con đi làm bạn cùng Hằng Nga . Thỏ vợ tuy vô cùng thông cảm với Hằng Nga, nhưng lại không nỡ rời xa các con yêu! Các thỏ con cũng không muốn rời xa cha mẹ, thỏ nào cũng khóc. Thỏ cha nói: “Nếu ta bị nhốt, các con có chịu ở với ta không? Hằng Nga vì giải cứu bách tính mà bị liên lụy, chẳng lẽ chúng ta lại không thương nàng? Các con, chúng ta không thể chỉ nghĩ đến bản thân!”
Các thỏ con rất hiểu lòng cha, nên đều đồng ý đi. Hai vợ chồng thỏ nước mắt lưng tròng, nhìn các con mỉm cười. Chúng quyết định để thỏ út đi. Thỏ út từ biệt cha mẹ và các chị, lên cung trăng ở cùng Hằng Nga.
2. Sự tích bánh trung thu
Bánh trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, là thứ không thể thiếu để cúng trăng và thổ địa công vào mỗi mùa Trung thu. Phong tục ăn bánh trung thu vào Tết Trung thu bắt đầu từ cuối đời nhà Nguyên bên Trung Quốc đến nay.
Tương truyền vào thời đó, người Trung Nguyên không chịu nổi ách thống trị của người Mông Cổ, những người có chí khí đều muốn khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Để tập hợp được các lực lượng đấu tranh, nhưng trong điều kiện không thể truyền tin đi, Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra một cách truyền tin rộng rãi và bảo đảm, đó là kêu gọi mọi người mua bánh trung thu ăn vào Tết Trung thu để tránh họa. Sau khi mọi người mua bánh về và cắt ra, nhìn thấy bên trong có giấu một mảnh giấy viết “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, nhờ vậy người dân đã nhiệt liệt hưởng ứng, và lật đổ được nhà Nguyên. Cũng từ đó, bánh trung thu đã trở thành một món ăn không thể thiếu vào mỗi Tết Trung thu.
Video trung thu:
Lời kết:
Chúc các bạn một mùa trung thu vui vẻ tràn ngập niềm vui bên gia đình, người thân và bạn bè!