Với sự kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, chuyên gia Vinacapital cho rằng khả năng cao sẽ có đợt định giá lại và dòng tiền sẽ sớm quay trở lại TTCK.
Dòng tiền sẽ sớm quay trở lại TTCK
Tại chương trình tư vấn với chủ đề "Tự tin rẽ sóng – nắm bắt thời cơ" do VinaCapital tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư - Người điều hành Quỹ VINACAPITAL-VESAF của VinaCapital cho rằng lãi suất cho vay có thể điều chỉnh giảm thêm là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán năm 2024. Thêm vào đó, với sự kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, khả năng cao sẽ có đợt định giá lại và dòng tiền sẽ sớm quay trở lại TTCK.
Nhận định về thanh khoản thị trường, bà Phương nhìn nhận thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong môi trường hấp dẫn. Theo quan sát, lượng tiền chờ mua ở tài khoản tài chứng khoán cũng như tỷ lệ margin tăng dần cho thấy nhà đầu tư bắt đầu nhìn nhận chứng khoán là kênh đáng đầu tư trong năm 2024.
Ngoài ra, một chỉ báo cho mức độ hấp dẫn của chứng khoán là chênh lệch tỷ suất lợi nhuận của thị trường chứng khoán được đo bằng đảo ngược của chỉ số P/E, hiện tại ở mức khoảng 10%, cao hơn so với lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng khoảng 5%.
Theo thống kê, trong 10 năm qua VN-Index chỉ có 3 năm giảm điểm mạnh gồm năm 2022, 2018 và 2011. Trong đó năm 2011 và 2022 có điểm chung là lãi suất cao, 2018 là định giá cao. Riêng trong năm 2024, hai yếu tố lãi suất và định giá đều ủng hộ cho thị trường chứng khoán.
Về chiến lược đầu tư năm 2024, chuyên gia Vinacapital cho biết vấn đề quan trọng vẫn là lựa chọn cổ phiếu. Tiêu chí cần quan tâm khi lựa chọn cổ phiếu là khả năng phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp và khả năng giành thị phần trong điều kiện kinh doanh khó khăn.
"Nhóm cổ phiếu ngân hàng có định giá rẻ nhất thị trường"
Đồng quan điểm, ông Thái Quang Trung, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư Vinapital Chứng khoán Việt Nam nhận định triển vọng chứng khoán năm 2024 được cấu thành bởi hai yếu tố triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và định giá.
Triển vọng lợi nhuận được chuyên gia nhìn nhận ít gặp biến số khó lường hơn định giá và điều này đúng với nhiều năm. Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan hơn nhờ tín hiệu xuất khẩu đang trên đà phục hồi dù tốc độ không quá nhanh.
Chuyên gia Vinacapital dự báo tăng trưởng GPD có thể tăng 6-6,5%. Lạm phát duy trì ở mức 3 – 4%, nằm trong mục tiêu của Chính Phủ đặt ra và đủ để không "bào mòn" sức mua người dân và doanh nghiệp. Ngay cả khi có kịch bản khủng hoảng kinh tế ở thị trường Mỹ thì đa số đều có sự đồng thuận chung rằng khủng hoảng chỉ ở mức khiêm tốn.
Với dự báo lượng tồn kho ở Mỹ sẽ cải thiện, lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam sớm muộn cũng tăng lại kéo theo dự báo lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn tăng đâu đó bình quân 13% trong năm 2024.
Phân tích sâu hơn về mức tăng trưởng lợi nhuận 13%, chuyên gia cho rằng động lực lớn sẽ đến từ dự báo ngành ngân hàng cải thiện lợi nhuận lên 18% trong năm 2024.
"Hiện tại, cổ phiếu nhóm ngân hàng rẻ nhất thị trường với nhiều cổ phiếu có định giá P/B dự phóng chỉ trên 1 lần, P/E xấp xỉ 4-5 lần. Nguyên nhân định giá nhóm cổ phiếu này rẻ có thể do lo ngại tăng trưởng kinh tế và nợ xấu tiềm ẩn.
Với tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi và ngân hàng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Về nợ xấu chủ yếu đến từ bất động sản và trái phiếu (chiếm tổng 20-25% tín dụng), song Chính phủ đã có nhiều biện pháp khơi thông hai kênh trên và có thể sẽ đem lại kết quả trong năm 2024", chuyên gia Vinacapital cho biết.
Về định giá thị trường, dù có nhiều biến số khó đoán khi đã tăng từ 9x lần lên 10x lần, song đây vẫn là vùng thấp trong nhiều năm trở lại đây. Với sự cải thiện vị thế của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, chuyên gia Vinacapital cho rằng định giá sớm muộn cũng tăng trở lại.
Credit: Mai Chi theo Đời sống pháp luật