Trong tình trạng bị cúp điện nên không thể tiếp cận thông tin tình hình cơn bão, bà Nguyễn Thị Đan, (Xuân Phú, Xuân Trường, Nam Định) kể: “Từ chiều ngày hôm qua (28/10) điện đã mất toàn bộ, cả nhà không nghe được thông tin bão có mạnh không, diễn biến thế nào. Tới khoảng hơn 7 giờ tối thì nhà bà đã bị tốc toàn bộ mái tôn ở nhà sau, nghe rõ tiếng bão bốc đồ đi mà không làm gì được. Cả nhà chỉ nghe tin báo bão từ lúc trưa và không nghĩ nó vào với cường độ mạnh như thế.”
Thông tin bão quá rộng
Hầu hết người dân được hỏi đều trong tâm thế bị động khi cơn bão số 8 đi qua. Ông Nguyễn Văn Tân (Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, người dân đều chủ quan bởi trước đó chỉ nghe thấy thông tin rất rộng bão đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An. Chính vì nghe thông tin bão xa, người dân tranh thủ ra đồng gặt nốt lúa ngoài đồng còn tài sản trong nhà thì không có phương án đề phòng “ Trước đó có mưa nhỏ,tới khi biết thông tin bão mạnh lên và quay ngoắt lên trên thì cũng là chiều muộn 28/10 nên người dân không kịp trở tay ” ông Tân nói.
Tương tự, anh Đặng Văn Chương, (xã Xuân Phú, Xuân Trường, Nam Định) cũng khẳng định, thông tin dự báo về cơn bão không chính xác nên người dân lơ là, chủ quan. “Trước bão, người dân chúng tôi vẫn đinh ninh sẽ đổ bộ về Thanh Hóa, sau đó có biết thêm thông tin sẽ lướt qua các tỉnh ven biển của Bắc bộ nhưng cũng chỉ là đi vào nửa rìa, chứ vào sâu chỉ có cấp 7, cấp 8 nên chủ quan. Tới khoảng 10g đêm bão mạnh gió giật đùng đùng thì chỉ biết ngồi im trong nhà chứ không thể làm gì được nữa. Sáng ra nhà nào cũng bị tốc mái” anh Chương kể.