News Cú trượt dốc của Solana

Solana là một trong những blockchain phát triển nhanh nhất thế giới, được kỳ vọng trở thành hệ sinh thái hùng mạnh, nhưng hiện đã mất tới 96% giá trị.

Tháng 11/2017, kỹ sư Anatoly Yakovenko xuất bản sách trắng mô tả hình thức blockchain mới, gọi là Bằng chứng lịch sử - Proof of History (PoH). Đây là hình thức mới so với các blockchain trước đó như Bitcoin hay Ethereum chủ yếu dùng Bằng chứng công việc (PoW) hoặc Bằng chứng cổ phần (PoS).

1x-1-5646-1672312897.jpg

Từ kinh nghiệm thiết kế các hệ thống phân tán tại Qualcomm, Mesosphere và Dropbox, Yakovenko nhận thấy PoH có ưu thế lớn về tốc độ giao dịch. Chẳng hạn, nếu Bitcoin và Ethereum đã phải vật lộn để vượt qua mốc 15 giao dịch mỗi giây khi đó, còn PoH chỉ cần chưa đầy một giây.

Yakovenko sau đó bắt tay với C. Greg Fitzgerald, một nhà phát triển phần mềm và cũng từng làm việc tại Qualcomm. Cả hai thực hiện dự án bằng ngôn ngữ lập trình Rust. Ngày 28/2/2018, Fitzgerald chạy thử hệ thống lần đầu với 10.000 giao dịch được xác minh và xử lý chỉ trong hơn nửa giây. Yakovenko sau đó mời thêm Stephen Akridge cùng ba người khác thành lập một công ty Loom. Do sợ bị nhầm với dự án Loom Network ra đời trước đó, đội ngũ đổi tên công ty thành Solana - gợi nhớ đến thị trấn ven biển nhỏ ở phía bắc San Diego, nơi lướt sóng yêu thích của một số người trong nhóm sáng lập.

Cuối cùng, Solana ra đời với mục tiêu cải thiện khả năng mở rộng blockchain mà không phải đánh đổi bằng việc suy giảm bảo mật hay mất đi tính phi tập trung.

Phát triển và lao dốc

Tháng 6/2018, Solana mở rộng quy mô công nghệ để chạy trên các mạng dựa trên đám mây. Trong một thử nghiệm công khai với 50 nút xác thực, quá trình có thể xử lý tới 250.000 đợt giao dịch mỗi giây. Đến nay, thực tế Solana xử lý trung bình 50.000 giao dịch mỗi giây, độ trễ chưa đến một giây.

Nhờ có nhiều ưu thế, Solana nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn trong lĩnh vực blockchain. Trả lời Inc42 tháng 9/2021, Raj Gokal, một trong những nhà sáng lập công ty, nói Solana là hệ sinh thái phát triển nhanh nhất trong blockchain, với hơn 400 dự án bao gồm DeFi, NFT, Web3... "Mỗi ngày, 4-5 dự án được công bố trên Twitter chạy trên mạng Solana", Gokal cho biết.

Solana cũng phát hành token quản trị SOL. Với giá ban đầu chỉ 0,6 USD, SOL nhanh chóng thu hút đầu tư. Tháng 11/2021, token này đạt đỉnh với 260 USD mỗi đồng, tức tăng hơn 400 lần so với giá trị ban đầu. Với tổng cung hơn 537 triệu coin, vốn hóa tiền số này có lúc đạt gần 150 tỷ USD.

Screenshot-2022-12-29-at-18-09-1248-2571-1672312897.png

Tròn một năm sau, Solana đang đứng trước khó khăn và thể hiện rõ trên thị trường tiền số. Từ mức đỉnh tháng 11 năm ngoái, SOL đang có giá khoảng 9,3 USD tính đến ngày 29/12, giảm tới 96% giá trị. Vốn hóa tiền số này hiện còn khoảng 3,5 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 8, Solana cũng gặp khó khăn khi bị tấn công. Bloomberg dẫn báo cáo của Elliptic rằng khoảng 7.900 ví của người dùng Solana bị hack với hơn 5,2 triệu USD bị lấy đi. Trong khi đó, công ty bảo mật PeckShield ước tính khoảng 8 triệu USD từ các nạn nhân được chuyển đến bốn địa chỉ ví điện tử lạ.

Mối quan hệ với FTX

Khi FTX chưa phá sản và nhà sáng lập Sam Bankman-Fried chưa bị bắt, Solana là blockchain được ủng hộ nhất từ sàn này. Trong ba token mà FTX dùng để bảo chứng, SOL đứng thứ hai, cùng với FTT và Serum. Bankman-Fried cũng xuất hiện cùng Yakovenko tại các hội nghị liên quan đến blockchain hoặc tiền số.

Trên thực tế, Solana có quan hệ mật thiết với FTX và công ty "sân sau" của sàn này là Alameda Research. Cả hai đã hỗ trợ Solana bằng cách mua số lượng lớn SOL từ Solana Foundation - tổ chức phi lợi nhuận giúp hỗ trợ các nền tảng blockchain của Solana. Alameda cũng mua số lượng lớn SOL khác từ Solana Labs.

Theo một bài viết trên blog của Solana Foundation, tổng giao dịch giữa FTX và Alameda với Solana Foundation và Solana Labs rơi vào khoảng 58 triệu SOL. Số tiền này tương đương 500 triệu USD hiện tại, nhưng là 15 tỷ USD lúc giá SOL cao nhất.

Screenshot-2022-12-29-at-18-13-8046-4983-1672312897.png

Các sáng lập Solana đang cố gắng trấn an những người đã đầu tư vào nền tảng. "Tôi vẫn cố gắng xác định những gì tôi nhìn nhận về Bankman-Fried và những gì thực sự đã xảy ra", Yakovenko nói đến sự cố FTX ngày 16/12 với Bloomberg. "Nó khiến tôi cảm thấy khó chấp nhận".

Yakovenko cho biết chỉ khoảng 4% trong số các dự án xây dựng trên Solana đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của FTX, chủ yếu là nền tảng có tiền lưu giữ trên sàn giao dịch tiền điện tử. Khoảng 80% nhóm trên blockchain của Solana hoàn toàn không tiếp xúc với FTX. Trong bài đăng trên blog tháng 11, Solana Foundation khẳng định họ chỉ còn dưới một triệu USD trên FTX kể từ ngày 6/11, khi sàn bắt đầu ngừng rút tiền.

Dù vậy, thông tin Yakovenko đưa ra khiến nhiều người nghi ngờ. Thực tế, Alameda và FTX đã đầu tư vào nhiều dự án hoạt động trên Solana, gồm cả nền tảng tài chính phi tập trung Serum. FTX US, chi nhánh của sàn tại Mỹ, cũng đã ra mắt NFT trên Solana năm ngoái. Đến nay, các nền tảng đều dẫn đến liên kết FTX phá sản.

Một số dự án blockchain hiện rời khỏi mạng Solana. Trong đó, nổi tiếng nhất là DeGods và y00ts, hai dự án NFT đang lần lượt chuyển sang Ethereum và Polygon. Ngoài ra, Muticoin Capital, quỹ đầu tư gắn với hệ sinh thái Solana, báo lỗ đến 90% trong năm 2022. Đây được xem là lý do chính khiến SOL giảm giá trị khoảng 35% trong tuần gần nhất.
 

Announcements

Forum statistics

Threads
426,353
Messages
7,175,904
Members
178,802
Latest member
dayngheeac

Most viewed of week

Most viewed of week

Back
Top Bottom