News Trần nợ công Mỹ là gì mà khiến cả thế giới phải thận trọng

Trần nợ công Mỹ là một vấn đề kinh tế quan trọng và tác động nhiều mặt, có thể gây khủng hoảng nếu không được kiểm soát kịp thời. Cùng tìm hiểu về vấn đề trần nợ công qua bài viết sau!

Trần nợ công là gì?

Trần nợ công hay trần nợ quốc gia (debt ceiling) là giới hạn mà chính phủ của một quốc gia* có thể vay thông qua tín phiếu và trái phiếu để chi trả cho nghĩa vụ tài chính của mình. Phần nợ này phát sinh khi nguồn thu (chủ yếu từ thuế) của chính phủ không đủ để đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu.
Nghĩa vụ tài chính này có thể bao gồm các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì dịch vụ công và hỗ trợ xã hội.

1685404242935.png

Trần nợ công là giới hạn quan trọng để xác định khả năng tài chính của chính phủ, đảm bảo việc quản lý tài chính và đảm bảo sự ổn định kinh tế của quốc gia. Khi nợ công đạt mức trần, Quốc hội phải tăng giới hạn này lên hoặc thực hiện các biện pháp để giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu của Chính phủ nhằm tránh xảy ra vỡ nợ.

Mức trần nợ đã được Quốc hội Mỹ thiết lập vào năm 1917 để kiềm chế việc các cơ quan chính phủ chi tiêu thiếu kiểm soát.

1685404255533.png

Dựa trên dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Tài chính Mỹ và Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy, trần nợ công của chính phủ Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt tổng cộng 31.46 nghìn tỷ USD vào tháng 5/2023. Điều này đặt Mỹ vào vị trí nợ công cao nhất thế giới.

*ở bài viết này, chúng ta nhắc đến từ khóa đầy đủ là trần nợ công của chính phủ liên bang Mỹ/Hoa Kỳ.
Trong đó, Hoa Kỳ thường được sử dụng trong các văn bản liên quan đến pháp luật, đồng thời chính phủ liên bang Mỹ cũng có thể gọi tắt là chính phủ Mỹ, vì vậy ở bài viết này sẽ gọi tắt các khái niệm là trần nợ công Mỹ.

Nợ là gì?

Nợ là trách nhiệm tài chính mà một bên khi vay mượn phải trả cho bên cho vay. Nợ áp dụng cho cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ khi họ mượn tiền để chi tiêu hoặc đầu tư.

Ví dụ về nợ cá nhân bao gồm việc sử dụng thẻ tín dụng, vay tiền hoặc nhận khoản vay để mua nhà. Tương tự, các doanh nghiệp có thể mượn tiền thông qua các hình thức như hạn mức tín dụng hoặc vay vốn doanh nghiệp.

Khi chi tiêu vượt quá doanh thu thể hiện sự thâm hụt, thâm hụt tích lũy theo thời gian thể hiện tổng nợ của một cá thể.

Cũng như cá nhân và doanh nghiệp, chính phủ cũng có thể có nợ, được gọi là nợ công. Đây là số tiền mà chính phủ vay mượn để chi trả các chi phí của mình.

Trong trường hợp của Mỹ, nợ công chủ yếu được nắm giữ bởi người dân và các tổ chức trong nước. Một phần nhỏ nợ công sẽ được nắm giữ bởi các chính phủ nước ngoài, ngân hàng và nhà đầu tư khác.

Việc nắm giữ ở đây có nghĩa là chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu, giấy nợ chính phủ hoặc các chương trình/cơ chế vay tiền khác để vay tiền hay có thể gọi là thu hút đầu tư. Đổi lại, người cho vay sẽ nhận được lãi suất và số tiền gốc theo thỏa thuận đã được thiết lập.

Chính phủ Mỹ chi tiêu những gì?

Năm tài chính (hay còn gọi là năm tài khóa, năm ngân sách) trong tiếng Anh là Fiscal year hoặc Financial year, viết tắt là FY.

Năm tài chính là một khái niệm trong lĩnh vực tài chính và kế toán, đặc biệt được sử dụng bởi các tổ chức và chính phủ để định rõ khoảng thời gian trong việc quản lý thu chi và báo cáo tài chính.

Nó thường không trùng khớp với năm dương lịch thông thường mà được bắt đầu từ một ngày cụ thể và kéo dài trong 12 tháng. Chi tiêu chính phủ sẽ được tính trong một năm tài chính. Năm tài chính của chính phủ Mỹ bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 của năm trước đến ngày 30 tháng 9 của năm tiếp theo.

1685404278266.png

Chính phủ Mỹ chi tiêu tiền vào nhiều loại hàng hóa, chương trình và dịch vụ khác nhau nhằm hỗ trợ nền kinh tế và người dân. Một phần trong số này bao gồm chi trả lãi suất phát sinh từ nợ công mà chính phủ đã vay. Khi nợ công tăng, số tiền chi trả cho lãi suất thường cũng tăng theo.

Nếu chính phủ chi tiêu hơn số tiền thu vào từ nguồn thuế, thì sẽ xảy ra thâm hụt ngân sách. Ngược lại, nếu chính phủ chi tiêu ít hơn số tiền thu vào, thì sẽ có thặng dư ngân sách. Trong năm tài chính 2022, chính phủ đã chi tiêu tổng cộng 6.27 nghìn tỷ USD, tương đương 25% tổng GDP, nhiều hơn số tiền thu, dẫn đến thâm hụt.

Chi tiêu của chính phủ chi trả cho mọi thứ, từ Bảo hiểm Xã hội và Medicare cho đến trang bị quân sự, bảo dưỡng đường cao tốc, xây dựng công trình, nghiên cứu và giáo dục. Việc chi tiêu này cũng có thể được phân loại theo đối tượng và mục đích trong ngân sách.

Chi tiêu này có thể được chia thành hai loại chính:

  • Chi tiêu bắt buộc (Object class): là các khoản chi mà chính phủ không có sự lựa chọn và phải chi tiêu để đáp ứng các nhiệm vụ và trách nhiệm của nó. Ví dụ việc chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ nhà nước, chi tiêu y tế cơ bản, trợ cấp xã hội, và các khoản chi tiêu theo quy định pháp luật.
1685404305663.png

  • Chi tiêu tự nguyện: là các khoản chi tiêu không bắt buộc theo luật pháp và có thể được điều chỉnh hoặc thay đổi tùy theo ưu tiên và chính sách của chính phủ. Ví dụ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, các chương trình giáo dục, chi tiêu hạ tầng, và các khoản chi tiêu khác không bắt buộc theo quy định pháp luật..
1685404318074.png


Nguyên nhân nợ công Mỹ ngày càng tăng

Nợ phát sinh trong cuộc Cách mạng Mỹ đã lên đến hơn 75 triệu USD vào ngày 1/1/1791. Trong 45 năm tiếp theo, nợ tiếp tục tăng lên. Năm 1835 nợ đã giảm đáng kể do việc bán đất quốc gia và cắt giảm ngân sách liên bang.

Trong khoảng thời gian Nội chiến Mỹ diễn ra, từ năm 1860 đến 1865, nợ tăng hơn 4,000% từ 65 triệu USD lên đến 2.7 tỷ USD. Nợ tiếp tục tăng ổn định vào thế kỷ 20 và vào khoảng 22 tỷ USD sau khi nước này tài trợ cho Thế chiến thứ nhất.

Một số sự kiện khiến cho nợ công Mỹ gia tăng đáng kể bao gồm cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và đại dịch COVID-19.

Hiện nay, khoản thâm hụt của chính phủ Mỹ chủ yếu đến từ 3 lý do chính:

  • Sự già cỗi của thế hệ baby-boomer (những người sinh ra từ khoảng năm 1946 đến 1964): dân số già tăng trưởng mạnh. Năm 2010 có 40.5 triệu người, năm 2020 con số này đã là 56.1 triệu người.
  • Chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng: Mỹ chi trả cho chi phí khám sức khỏe cho mỗi công dân là 12,318 USD/năm. Đây là con số lớn nhất và cách xa so với vị trí thứ 2 là Đức với 7,383 USD.
  • Hệ thống thuế không đủ để đáp ứng những cam kết của chính phủ với công dân: năm 2022, Mỹ chi tiêu hơn 6.3 tỷ USD, tuy nhiên chỉ thu về khoảng 4.9 tỷ USD. Doanh thu của Mỹ chủ yếu đến từ việc thu thuế. Tuy nhiên, từ năm 2001, Mỹ đưa ra nhiều chính sách nhằm cắt giảm thuế.
Đại dịch Corona đã khiến tình hình tài chính không bền vững trở nên nghiêm trọng hơn, cả do tác động tàn phá của nó đến nền kinh tế và những biện pháp pháp lý cần thiết.

Tính đến tháng 5/2023, nợ trên đầu người của Mỹ đã đạt 94,142 USD, theo thống kê của FiscalData.Treasury.gov.

“Tình hình sức khỏe” nợ/GDP của Mỹ

So sánh nợ của một quốc gia với sản phẩm quốc nội (GDP) của nó sẽ cho thấy khả năng trả nợ của quốc gia này.

Nếu chỉ nhìn vào số nợ quốc gia mà không liên kết với kinh tế quốc gia là không đủ để đánh giá tình hình tài chính của một quốc gia. Chỉ xem số nợ mà không xem xét khả năng của quốc gia để trả nợ sẽ làm mất đi một phần quan trọng của bức tranh tổng thể.

Tỷ lệ nợ/GDP là một chỉ số quan trọng vì nó so sánh số nợ với sản lượng kinh tế của quốc gia. Nếu tỷ lệ này cao, có thể cho thấy quốc gia đang có số nợ lớn so với khả năng tài chính. Ngược lại, nếu tỷ lệ này thấp, có thể cho thấy quốc gia có khả năng trả nợ tốt.

no-my-so-voi-gdp-FZWtsIRIZHkwDVIY.png


Từ những năm 2013, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ đã vượt qua mức 100%. Khi tỷ lệ nợ/GDP vượt qua 100%, có nghĩa là nợ quốc gia vượt quá giá trị sản lượng kinh tế của quốc gia. Có thể thấy Mỹ đang mang trên mình một gánh nặng nợ lớn và có thể gặp khó khăn trong việc quản lý và trả nợ.

Vượt qua mức 100% cũng đặt ra câu hỏi về khả năng của Mỹ để trả nợ và tạo ra một môi trường tài chính bền vững trong tương lai. Điều này có thể yêu cầu các biện pháp và chính sách kinh tế nhằm kiềm chế tình trạng nợ tăng và tăng cường khả năng tài chính của quốc gia.

du-doan-no-gpd-my-tuong-lai-qSA1UgRdVPXdBZqd.png

Theo dự đoán của Peterson Foundation, trong thời gian tới, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến sẽ đạt khoảng 195% vào năm 2053, nghĩa là nợ gần như gấp đôi GDP quốc gia. Đây là một con số không tưởng!

Chính phủ vay nợ thông qua đâu

Chính phủ Mỹ vay nợ thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ và các công cụ vay nợ khác. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có thể sử dụng các công cụ vay nợ khác như trái phiếu tiết kiệm (Savings Bonds) và các chứng khoán chính phủ đại diện cho nợ giữa các cơ quan chính phủ.

Một số quốc gia khác cũng đã vay nợ từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tư nhân để đáp ứng nhu cầu vốn của họ.

Dưới đây là một số phương thức chính phủ Mỹ sử dụng để vay nợ:

  • Treasury Bills (Trái phiếu Chính phủ): Đây là các trái phiếu ngắn hạn, thường có thời hạn từ một tháng đến một năm.
  • Treasury Notes (Tín phiếu kho bạc): Đây là các tín phiếu trung hạn, có thời hạn từ một đến mười năm.
  • Treasury Bonds (Trái phiếu kho bạc): Đây là các trái phiếu dài hạn, có thời hạn từ mười năm trở lên.
  • Treasury Inflation-Protected Securities (TIPS) (Trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát ): Đây là các trái phiếu có giá trị thay đổi theo mức độ lạm phát. Chính phủ phát hành TIPS để bảo vệ giá trị của khoản vay trước tác động của lạm phát.
  • Floating Rate Notes (FRNs) (Tín phiếu lãi suất thả nổi): Đây là các tín phiếu có lãi suất biến đổi theo thị trường. Chính phủ Mỹ phát hành FRNs để điều chỉnh lãi suất trả cho các nhà đầu tư theo tình hình thị trường.

Hậu quả của nợ công Mỹ đạt “trần”

Nợ công đạt mức trần có thể gây ra rất nhiều mối nguy hại cho chính phủ Mỹ và quốc gia này. Hậu quả của tăng nợ công tại Mỹ có thể gây ra các vấn đề và tác động sau:

Chi phí lãi suất cao​

Khi nợ công tăng, chính phủ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản lãi suất. Điều này tạo ra gánh nặng tài chính lớn và giới hạn khả năng chi tiêu của chính phủ cho các lĩnh vực khác.

Cơ quan Ngân sách Quốc gia (CBO) dự kiến chi phí lãi suất ròng của chính phủ Mỹ sẽ tăng gấp ba trong thập kỷ tới, đạt 1.2 nghìn tỷ USD hàng năm vào năm 2032. Điều này khiến cho các lập pháp viên cần cân nhắc giữa tăng thâm hụt ngân sách để duy trì chi tiêu hay kết hợp giữa giảm chi tiêu và tăng nguồn thu.

Nếu lãi suất tăng hoặc giảm đều ảnh hưởng đến người mua trái phiếu. Điều này khiến cho chính phủ Mỹ phải đối diện với người mua trái phiếu trong trường hợp lãi suất tăng, hoặc nếu lãi suất giảm thì chính phủ Mỹ có chính sách gì để giảm chi phí lãi suất mà không tạo nên làn sóng phản đối từ người mua trái phiếu.

Giảm khả năng đầu tư​

Với việc phải dùng một phần nguồn thu để trả lãi nợ, chính phủ có ít tiền dư để đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, giáo dục, và sức khỏe. Trong khi đó, phần chi tiêu bắt buộc không thể cắt giảm. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt về phát triển và cạnh tranh kinh tế.

Tăng nguy cơ tài chính​

Mức độ nợ công cao có thể làm tăng rủi ro tài chính cho quốc gia. Nếu chính phủ không thể trả nợ hoặc phải chịu mức lãi suất cao, thì khả năng cho khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế sẽ tăng lên.

Giới hạn lựa chọn chính sách​

Với mức nợ công lớn, chính phủ có ít sự linh hoạt trong việc thực hiện chính sách kinh tế. Các biện pháp khắc phục kinh tế hoặc chính sách chi tiêu phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh làm tăng nợ và gây thêm tình hình tài chính không ổn định.

Gánh nặng cho thế hệ tương lai​

Nợ công tăng có nghĩa là các thế hệ tương lai sẽ phải gánh nặng trả nợ và chịu hậu quả của việc quá mức tiêu thụ và vay nợ hiện tại. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển và chất lượng cuộc sống của những người trẻ trong tương lai.

Tóm lại, tăng nợ công tại Mỹ có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại. Điều này đòi hỏi sự quản lý cẩn thận và cân nhắc từ phía chính phủ để có thể ổn định nền kinh tế và tăng trưởng trong thời gian tới.

Nợ công với Mỹ, với thế giới và với crypto

Trần nợ công Mỹ có tác động rộng lớn đến nền kinh tế Mỹ và quốc tế. Trong nội bộ quốc gia, trần nợ công Mỹ tạo áp lực cho ngân sách liên bang, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư công, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nó cũng có thể gây ra sự không ổn định trong hệ thống tài chính, ảnh hưởng đến lãi suất, tỷ giá và tạo ra rủi ro cho sự ổn định kinh tế.

Về mặt quốc tế, trần nợ công Mỹ có thể tạo ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ là một quốc gia lớn trong hệ thống tài chính toàn cầu và tình trạng nợ công cao có thể lan tỏa qua các quốc gia khác. Nếu Mỹ không thể trả nợ, độ tin cậy vào đồng đô la Mỹ có thể bị suy giảm và tạo ra sự mất cân bằng trong thị trường tài chính toàn cầu.

Tổng kết

Trần nợ công Mỹ là một vấn đề quan trọng mà cần được quan tâm và giải quyết. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm chi tiêu quá mức và các biến động kinh tế toàn cầu. Tác động của trần nợ công Mỹ lan tỏa từ nội bộ đến quốc tế, gây ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc điều chỉnh chi tiêu chính phủ và tăng cường quản lý nợ công. Các biện pháp kích thích kinh tế cũng cần được xem xét để đảm bảo tính bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực của trần nợ công.

Hơn nữa, sự hợp tác quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng để ổn định tình trạng tài chính toàn cầu và giảm thiểu rủi ro từ trần nợ công Mỹ.
 

Announcements

Forum statistics

Threads
418,745
Messages
7,075,728
Members
170,834
Latest member
CryptoTeamOnline

Most viewed of week

Most viewed of week

Back
Top Bottom