Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về các công nghệ Blockchain Metaverse. Vậy lợi thế nào cho Việt Nam trong "cuộc đua" Metaverse ở...
Tiềm năng của MetaverseKhông gian thực tế ảo đang giúp những người hành hương trên thế giới có thể khám phá các địa điểm linh thiêng nhất, trải nghiệm các nghi lễ, cầu nguyện trong vũ trụ ảo Metaverse. Thành phố Vatican thậm chí đã quyết định tung ra bộ sưu tập NFT của riêng mình cho một số tác phẩm nghệ thuật, bản thảo và các đồ vật quý hiếm. Chúng được hiển thị trong một thư viện ảo, có thể truy cập qua máy tính và trong thực tế ảo (VR).
Để tưởng nhớ huyền thoại Lý Tiểu Long, câu lạc bộ võ thuật Bruce Lee và PRIZM Group đã tái hiện ngôi nhà cũ của ngôi sao võ thuật và hồi tưởng lại những kỷ niệm thông qua NFT và Metaverse.
"Chúng tôi muốn mọi người biết thêm về hình ảnh cuối cùng của Lý Tiểu Long thông qua công nghệ VR và hiểu thêm về Triết lý nước của ông", anh Wong Yiu-Keung - Chủ tịch Câu lạc bộ võ thuật Lý Tiểu Long cho hay.
Còn với anh Choi Ji-ung là một người có thu nhập trung bình ở Hàn Quốc. Anh không bao giờ dám mơ tới việc mua một căn hộ ở khu đắt đỏ Gangnam. Nhưng trong thế giới ảo Metaverse, anh có thể làm điều đó.
Anh Choi Ji-ung - nhà đầu tư bất động sản ảo trên nền tảng Metaverse "Earth 2" nói: "Tôi đã chọn mua căn hộ ở quận Gangnam vì tôi không có khả năng mua ở khu vực đó trong thế giới thực và giá trị của nó sẽ tăng lên. Giá của căn hộ đã tăng 40% kể từ khi tôi mua".
Ngoài việc sở hữu bất động sản, anh Shaun - một kỹ sư - còn tham vọng tổ chức sự kiện và thu lời từ các hoạt động thương mại trên vũ trụ ảo.
"Tôi đang lên kế hoạch thiết kế tòa nhà của mình phù hợp để tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp K-pop và các buổi chiếu phim truyền hình K-drama. Điều đó có thể dẫn đến một mô hình kinh doanh có lãi trong 2 đến 3 năm tới", anh Shaun - nhà đầu tư trên nền tảng Metaverse "Decentraland" cho hay.
Lợi ích đầu tiên mà Metaverse mang lại cho người dùng là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và không chỉ có vậy họ còn có thể xây dựng phiên bản của chính mình trên thế giới ảo như cách mong muốn.
Đi cùng mỗi người đương nhiên sẽ là quần áo thời trang, nhà cửa, đi lại, lập nghiệp... Người ta dễ dàng mua bán và trao đổi những tài sản kỹ thuật số với nhau và từ đây hình hành nền kinh tế trên Metaverse.
Báo cáo của Bloomberg ước tính, ngành công nghiệp Metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.
Tiềm năng của Metaverse tại châu Á là có thật và được kỳ vọng sẽ phát triển khá bùng nổ trong những năm tới. Châu Á trong đó có Đông Nam Á là khu vực có nhiều người dùng Internet nhất hành tinh. Việt Nam cũng đang được coi là điểm nóng cho công nghệ thực tế ảo.
Việt Nam có nhiều cơ hội trong không gian Metaverse
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về các công nghệ Blockchain Metaverse . Theo dự báo của hãng phân tích thị trường MarketAndMarkets, thị trường Blockchain Metaverse Việt Nam sẽ đạt quy mô 2,6 tỷ USD vào năm 2026 tức gấp 5 lần so với hiện tại.
Trong 200 công ty Blockchain Metaverse lớn nhất thế giới, hiện có tới 7 công ty đến từ Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc giới công nghệ dồn mọi sự chú ý vào Metaverse đang mang lại ngày càng nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Ông Bùi Sỹ Nguyên - Nhà sáng lập kiêm CEO của MetaCity cho hay: "Việt Nam là một trong những thị trường hot nhất về phát triển các dự án Blockchain và Metaverse, đặc biệt là Metaverse. Với tình hình hiện tại, số lượng dự án và lượng vốn thế giới đổ về Việt Nam rất là nhiều đòi hỏi sự phát triển rất nhanh, cần lượng nhân sự rất lớn và cả các hạ tầng đi kèm. Các dự án toàn cầu đều đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng số một của Đông Nam Á, là điểm đến của các dự án Blockchain toàn cầu. Người ta coi người dùng Việt Nam là một trong những nhóm người dùng tiềm năng nhất. Tôi tin người dùng Việt Nam đã được giáo dục khá cao về Blockchain và Metaverse".
Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội cũng phải nói tới những thách thức của Metaverse. Các khung pháp lý của Việt Nam đối với Blockchain - một trong những hạ tầng quan trọng nhất của Metaverse vẫn chưa được tốt và sẽ phải mất thêm thời gian để giải quyết các vấn đề chính sách. Trong tương lai vài năm tới, có thể tiến tới việc tạo dựng khung pháp lý để hợp thức hóa quyền sở hữu tài sản, tiêu thụ tài sản trên Metaverse.
Ngoài ra, một thách thức khác đó là sự phát triển nóng quá mức kéo theo đó là khủng hoảng giá thuê nhân sự làm trong lĩnh vực Metaverse. Mức lương phải trả cho một số vị trí bị đẩy lên rất cao, gấp 2 – 3 lần so với 1 - 2 năm trước. Tất cả những điều này sẽ là những thách thức cần vượt qua để Metaverse có thể cất cánh.