Tiếp tục tham gia, mới sưu tầm được bài vè ca dao dân gian về loài rắn ở miệt vườn Nam Bộ. Đầy đủ và ý nghĩa hơn lần post trước của mình. Viết ra anh em tham khảo:
U Minh nước đỏ, Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền, Dạo chơi với rắn
Bất kỳ sâu cạn, Rắn nước, rắn râu.
Bay trên trời cao, Rắn rồng uốn khúc.
Chạy ngang chạy dọc, Rắn ngựa phóng theo.
Hút gió thiệt kêu, Là con rắn lục.
Mái gầm lục đục, Bò chậm như rùa.
Mổ xuống bất ngờ, Hổ mây ẩn nấp.
Coi chừng nó quất, Là con rắn roi.
Ra đồng dạo chơi, Là rắn bông súng.
Đựng đầy một thúng, Là rắn cạp nia.
Ăn rồi ngậm nghe, Hổ hành nấu cháo.
Dữ mà nhỏ xíu, Đúng thiệt rắn trun.
Chớ có coi thường, Con rắn ri cóc.
(Rắn mà muốn học, Làm cậu ông trời!).
Có khách hay mời, Là con hổ chuối.
Còn rắn ri cá, Thấy nước thì ham.
Hình vóc hiên ngang, Rắn voi mỏ rọ.
Thật là đáng sợ, Choằm oạp, hổ mang.
Xét cho đàng hoàng, Rắn thì có nọc.
Đừng châm, đừng chọc, Bỏ mạng lìa đời.
Trí khôn con người, Biến loài độc ác.
Lấy nọc làm thuốc, Trị bệnh cứu dân.
Đau khớp trật gân, Ê mình nhức mỏi…
Cứ thế mà kể tới tới hoài, đủ loại.
“Rắn không chân nó đi năm rừng bảy rú…” nên cho dù ruộng đồng ẩm thấp, hay non cao núi xa, hầu như trên toàn diện địa Nam Bộ đâu đâu cũng có rắn – kể cả một số nơi thuộc địa bàn đô thị nhưng chưa phát quang trống trải như vùng hậu bối đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Cần Thơ. Có thể nói, bà con ở miệt vườn, miệt ruộng không ai không hơn một lần tiếp cận, hoặc trở thành nạn nhân của loài đáng sợ này, do đó đã điểm danh và mô tả: rắn hổ ngựa (mình có sọc đen dài hai bên hông với màu da xanh lá cây hoặc xanh da trời nhạt, phóng rất nhanh, không thua ngựa sải),
rắn hổ mây (rất hiếm và do lớn nhứt trong họ hàng nhà rắn nên dân gian coi như là “rắn thần”),
rắn hổ hành (ban ngày chậm chạp, thường nằm yên một chỗ; đúng như tên gọi, dù còn sống hay đã chết, lúc nào cũng có mùi hành phát tiết ra ngoài),
rắn hổ lửa (đỏ như màu lửa)
, rắn hổ bành (tức rắn hổ mang, thức ăn chính của nó là … đồng loại – con lớn ăn con nhỏ, sau 3 tháng không cần ăn gì nữa nó vẫn khỏe. Đặc biệt, một năm, rắn hổ mang chỉ giao cấu có một lần, với thời gian kéo dài từ 20 đến 30 giờ – phải chăng do vậy mà người ta sử dụng rượu rắn để bổ thận tráng dương?),
rắn hổ hèo (hổ trâu),
rắn cạp nong (
mai gầm hay
mái gầm),
rắn cạp nia (có khoanh vàng ngà, chỉ vòng nửa thân),
rắn hổ đất(lớn quá thì gọi rắn hổ mang, dữ nhứt, nhưng ban ngày lại chậm lụt, lù đù hơn, màu da đen xam xám, mướt láng, thân hình dài to. Mỗi khi cần tự vệ hoặc quá tức giận nó khoanh thân lại thành một vòng tròn, đầu thì ngóc cao lên và “phùng bàn nạo” và sẵn sàng quặp tới nếu thấy đối phương sơ hở, mất cảnh giác),
rắn ráo (màu hơi vàng sáng),
rắn dọc dưa (có các sọc vàng chạy dọc thân),
rắn ri cá, rắn ri voi (hay
ri tượng),
rắn lục cườm, rắn trun (con nhỏ cỡ ngón chân cái, chậm chạp, đuôi tròn có kim chích để tự vệ, nên thường gọi “rắn hai đầu”, nhưng ít độc),
rắn râu (có râu, xương nhiều thịt ít),
rắn nước, rắn bông súng (sống dưới nước). Họ hàng
rắn lục có:
rắn lục xanh (màu xanh lục, nhỏ ốm và rất dài, thường thấy trên cây trứng cá, hoặc bò theo kèo nhà thường sống trên cành cây cao, da nó tiệp hẳn với màu lá cây nên rất khó phát hiện),
rắn lục đầu bạc (màu đen đầu trắng, phân biệt rõ với cổ, kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp),
rắn lục núi (là loại rắn sống vùng rừng núi, cũng sống gần nơi ở của người như những bụi rậm quanh nhà, đầu hình tam giác, mặt trên phủ những vảy nhỏ. Chiều dài cơ thể chúng khoảng 50cm. Thức ăn chủ yếu của loài này là thú nhỏ, chim, thằn lằn, ếch nhái…),
rắn lục đuôi đỏ (.rất độc, chỉ sau rắn hổ mang – độc nhất là lúc rắn mẹ mang thai
nọc độc của nó nhiều nhất và hung dữ nhất; càng độc là
rắn lục đuôi đỏ lai, gọi
rắn đầu bự, nếu bị loại này cắn rất dễ biết vì hai dấu răng thưa nhau chứ không sát khít như các loại rắn độc khác, nhứt thiết phải được đưa đến bệnh viện có khoa điều trị chuyên ngành như bệnh viện 121, đường 30/4 Thành phố Cần Thơ để vô huyết thanh kịp trước 24 tiếng, muộn hơn thì không cứu được!. Mùa nước nổi, những cánh đồng vùng biên giới ngập linh láng, rắn lục đuôi đỏ (chính xác là nâu đỏ) phải tập trung trên những cây gáo, ban đêm người ta bơi xuồng đến rọi đèn, thấy chúng, chỉ cần dùng cây kẹp sắt (như cây gắp nước đá) kẹp ở đầu nó lôi xuống, bỏ vô cái rọng. Do phải lôi mạnh con rắn đang cố quấn chặt vào nhánh gáo nên loại này ít khi nuôi được vì thường thì nó sẽ chết trong một thời gian sau đó.
Theo kinh nghiệm dân gian, loại rắn cực độc này dùng làm thuốc trị được nhiều bệnh nan y, phổ biến là tiêu độc khối u ác tính, nên khi cần đến người ta phải khó khăn lắm mới mua được, vì vậy rất đắc tiền!