News Binance đã thâu tóm đối thủ lớn nhất trong 2 ngày như thế nào

Sau một giai đoạn im ắng khi thị trường xuống dốc, không có nhiều biến động, ngành tiền số lại rung chuyển bởi một cuộc chiến giữa hai ông lớn. Chỉ sau hai ngày, Binance đã đẩy FTX, đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực sàn giao dịch tập trung phải bán mình.

Sự việc cho thấy thị trường tiền mã hóa vẫn có biến động rất lớn. Ngay cả tổ chức khổng lồ, trị giá hàng chục tỷ USD cũng không thật sự an toàn.

Xung đột âm ỉ nhiều năm​

Sự kiện Binance tấn công khi FTX rơi vào khủng hoảng gần đây như “giọt nước tràn ly”. Những bất đồng, cạnh tranh giữa hai công ty này đã xuất hiện từ lâu.

Khi mới thành lập vào 2019, FTX đã bị khởi kiện vì hành vi chơi xấu, thao túng thị trường tương lai (Future) trên sàn Binance. Khoản bồi thường được yêu cầu là 150 triệu USD. Sau đó, vụ kiện được dàn xếp bằng một thỏa thuận hợp tác. Binance được góp vốn và có quyền quản trị tại FTX. Ngược lại, token đòn bẩy từ FTX cũng được niêm yết lên sàn tiền số lớn nhất thế giới.

download_2022_11_09T131501.135_2.jpg

Tuy nhiên, Binance hủy giao dịch FTT chỉ vài tháng sau đó với lý do bảo vệ lợi ích người dùng. Ở phía ngược lại, FTX mua toàn bộ cổ phần của Binance tại công ty. Đây giống như hành động chấm dứt hợp tác, khơi mào cạnh tranh giữa hai sàn giao dịch tập trung.

Sau giai đoạn phát triển nóng của thị trường, FTX là nền tảng bám đuổi sát Binance ở hạng mục giao dịch. Ngoài ra, Sam Bankman-Fried (CEO FTX) cũng là người xếp thứ 2, chỉ xếp sau CZ - Changpeng Zhao (CEO Binance) trong danh sách những người giàu có nhất giới tiền mã hóa.

Khác biệt quan điểm giữa hai người này còn nằm ở nhiều điểm. Ví dụ, CZ từng cho biết ông không ủng hộ việc vận động hành lang, tham gia vào hoạt động chính trị. Luận điểm này như hướng thẳng về phía Sam Bankman-Fried bởi ông chủ FTX là nhà tài trợ lớn thứ 2 trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden.

Hồi giữa năm, Sam Bankman-Fried tung ra nhiều khoản cứu trợ cho các công ty tiền mã hóa mất thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản. Lý do được phía FTX đưa ra là để duy trì và phát triển hệ sinh thái blockchain.

Tuy nhiên, CZ khẳng định trên Twitter rằng Binance sẽ không làm như vậy bởi nhiều mô hình không xứng đáng được giải cứu. Một cuộc khẩu chiến đã xảy ra giữa hai nhà lãnh đạo.

Thông qua Twitter, CZ cũng chỉ trích những sàn giao dịch có hành động xấu, thao túng thị trường và gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Không nói đích danh, nhưng nhiều người suy đoán nền tảng Changpeng Zhao nhắc đến là FTX. Nhiều bằng chứng cho thấy quỹ Alameda Research, được sáng lập bởi Sam có liên quan đến sự cố stETH, dẫn đến việc Celsius vỡ nợ.

Hành động đáng ngờ​

Câu chuyện được khơi mào từ một báo cáo tài chính của Alameda Research được Coindesk tiết lộ hôm 2/11. Đây là quỹ được sáng lập bởi Sam Bankman-Fried từ 2017. Tên Sam hiện không còn trong ban quản trị quỹ, tuy nhiên mối quan hệ giữa ông chủ FTX và dự án này rất rõ nét.

Theo báo cáo của Coindesk, tổng tài sản Alameda hiện có là 14,6 tỷ USD và 8 tỷ USD tiền nợ. Trong đó, đồng FTT chiếm tỷ lệ lớn nhất với giá trị khoảng 3,66 tỷ USD. Ngoài ra, quỹ còn dùng thêm 2,16 tỷ USD token này để thế chấp vay nợ. Bên cạnh đó, Alameda giữ 3,37 tỷ USD các token khác, 134 triệu USD tiền mặt và 2 tỷ USD các loại tài sản đầu tư khác.

download_2022_11_09T132126.002.jpg

Điểm bất thường trong báo cáo này là tổng lượng FTT Alameda nắm giữ vượt giá trị vốn hóa của đồng tiền số này, vốn chỉ khoảng 3 tỷ USD vào ngày 4/11. Do đó, thị trường không đủ thanh khoản để hấp thụ hết lượng token nêu trên nếu quỹ bán tháo.

Ngoài ra, 3,37 tỷ USD token khác mà dự án sở hữu cũng đa phần là altcoin như SOL, SRM, MAPS, FIDA… Những đồng tiền mã hóa này cũng có thanh khoản kém. Tài sản hiện hữu của Alameda thiếu vắng stablecoin hay BTC, ETH, vốn có thanh khoản tốt hơn nhiều.

Hoạt động đầu tư của Alameda cũng có nhiều vấn đề bởi họ liên tục dùng số tiền lớn mua lại dự án. Trong khi đó, chính quỹ cũng vay nợ các mô hình khác số tiền hàng trăm triệu USD. Theo dữ liệu từ nhà phân tích Dylan LeClair, Alameda nợ Voyager tới 370 triệu USD trước khi FTX mua lại dự án này.

Mức độ tin cậy của tài liệu Coindesk cung cấp cần được xác minh bởi Alameda là quỹ tập trung, với danh mục đầu tư, tài sản đóng kín. Bà Caroline Ellison, CEO quỹ nêu trên cho biết báo cáo này chưa đầy đủ. Đồng thời, bà khẳng định tài sản của họ nhiều hơn con số 14 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi báo cáo được đưa ra, tình trạng của Alameda có nhiều điểm tương đồng với 3AC hay Celsius. Nhà đầu tư lo ngại quỹ sẽ bán tháo tài sản khi gặp vấn đề nên họ bắt đầu “xả” FTT để đề phòng rủi ro.

Tuy nhiên, khi giá FTT hạ, chính Alameda lại chịu thiệt hại bởi token đảm bảo mất giá. Trong khi đó, FTT là token quản trị của FTX. Do đó, làn sóng rút tiền khỏi sàn cũng được kích hoạt bởi sự hoảng loạn của thị trường.

Kích hoạt chiến tranh​

Ngày 6/11, một địa chỉ ví bất ngờ chuyển 23 triệu FTT lên sàn Binance. Ngay sau đó, CZ xác nhận lượng token này là của Binance, đã nhận được từ 2019. Đồng thời, công ty sẽ bán dần lượng token này trong vài tháng để tránh ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Ông chủ sàn giao dịch tiền số còn cố tình làm nghiêm trọng hơn vấn đề bằng cách đăng thêm một trạng thái trên Twitter, nhắm vào FTX. “Thanh lý FTX là cách hạn chế rủi ro chúng tôi đã học được từ vụ LUNA”, CZ chia sẻ.

Binance_chuyen_sang_thanh_ly_toan_bo_vi_tri_cua.jpg

Đến 7/11, theo CryptoQuant, lượng dự trữ stablecoin của FTX chỉ còn 51 triệu USD. Đây là mức thấp nhất trong một năm qua. Điều này dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản, ngừng giao dịch. Lookonchain cho biết địa chỉ ví nóng của FTX hết sạch ETH hay stablecoin vào hôm 7/11. Sàn vẫn còn 1,8 tỷ USD tài sản nhưng chủ yếu là FTT và altcoin khác. Đây là những đồng tiền số có thanh khoản kém.

Forbes cho rằng CZ đã cố tính gây bất ổn, tấn công đối thủ bằng một chiến dịch trên mạng xã hội Twitter. Quan điểm này là có cơ sở bởi lượng FTT khổng lồ Binance đang nắm giữ có thể được giao dịch OTC (thị trường phi tập trung) trực tiếp với Alameda hoặc FTX để không ảnh hưởng đến thị trường.

CEO Alameda cũng tuyên bố mua lại toàn bộ FTT ở mốc 22 USD để giữ giá. Tuy nhiên, Binance đã chọn gửi toàn bộ 580 triệu USD token lên sàn tập trung.

Cuối cùng, đến 7/11, Sam Bankman-Fried lên Twitter để kêu gọi CZ hòa giải, vì lợi ích chung của hệ sinh thái. Tuy nhiên, đến chiều 8/11 vấn đề vẫn không được giải quyết. Cuối ngày, việc rút tiền khỏi FTX gần như đình trệ bởi sàn tạm ngưng.

Sau cùng, một thỏa thuận cũng được đưa ra. CZ cho biết Binance đã mua lại FTX sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ. Trong một tài liệu rò rỉ, Sam Bankman-Fried đã gửi lời xin lỗi đến các nhà đầu tư vào FTX. Ông cho biết ưu tiên của sàn vẫn là khách hàng và lợi ích cổ đông.

Sau 2 ngày chiến sự, Binance đã thâu tóm được đối thủ lớn nhất trong mảng giao dịch tiền số. Tuy nhiên, thị trường phải đón nhận một biến động lớn. Theo Coinmarketcap, khoảng 100 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường trong thời gian ngắn.

Giá Bitcoin rơi thẳng đứng từ 21.000 USD còn 18.000 USD. Các loại tiền mã hóa khác cũng không thoát khỏi đà giảm. FTT là token chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất gần 90% giá trị và chưa thể hồi phục.

Trên thị trường phái sinh, khoảng 400.000 tài khoản bị “cháy” trong 24h qua. Tổng số tiền bị thanh lý vào khoảng 1 tỷ USD, theo Coinglass.
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
426,423
Messages
7,176,857
Members
178,860
Latest member
KienKauKi

Most viewed of week

Most viewed of week

Back
Top Bottom