News Bị VNDirect trích lập phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng, BKAV Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đang kinh doanh ra sao?

Bị VNDirect trích lập phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng, BKAV Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đang kinh doanh ra sao?

BKAV Pro thành lập năm 2018 và từ đó đến nay luôn kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, lợi nhuận công ty đang có xu hướng giảm dần.​

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023.

Đáng chú ý, trong phần "Các tài sản tài chính khác", VNDirect trích lập 22,1 tỷ đồng khoản phải thu đối với khách hàng là Công ty cổ phần Phần mềm Diệt Virus BKAV (BKAV Pro). Sau khi trích lập, giá trị phải thu khó đòi tại thời điểm 31/12/2023 là 31,56 tỷ đồng.

Bkav Pro là công ty thành viên của Tập đoàn công nghệ Bkav sở hữu các lĩnh vực: Phần mềm diệt virus, An ninh mạng, Chuyển đổi số và Camera AI View. Theo thông tin tự giới thiệu, Bkav Pro là một trong những doanh nghiệp Công nghệ Thông tin hàng đầu Việt Nam. Sản phẩm diệt virus Bkav Pro có thị phần số 1 tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài.

Bkav Pro được thành lập 12/3/2018, người đại diện theo pháp luật hiện tại là Tổng giám đốc - ông Nguyễn Tử Quảng. Suốt từ khi thành lập đến nay, BKAV Pro luôn kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, số lãi có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Năm 2019, công ty lãi 118 tỷ đồng thì đến năm 2022 chỉ còn lãi hơn 40 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mức lãi chỉ đạt 4,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận giảm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng giảm xuống còn 2,1%.

Tại thời điểm 30/6/2023, BKAV Pro có vốn chủ sở hữu 207 tỷ đồng, nợ phải trả là 315 tỷ đồng.

Bị VNDirect trích lập phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng, BKAV Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.



Theo số liệu tổng kết an ninh mạng năm 2023 và dự báo năm 2024 của BKAV, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam ở mức 17,3 nghìn tỷ VND (tương đương 716 triệu USD), tiếp tục giảm so với các năm trước.

Đây là điều đáng mừng, song tình hình an ninh mạng trong nước vẫn nổi cộm nhiều vấn đề nóng khi tấn công bằng virus mã hóa dữ liệu tiếp tục gia tăng, nhắm vào các máy chủ trọng yếu; máy tính không có kết nối Internet cũng có thể bị tấn công gián điệp APT (Advanced Persistent Threats); lừa đảo tài chính trực tuyến không có dấu hiệu hạ nhiệt bởi nguồn cơn là tài khoản ngân hàng rác…

Báo cáo khảo sát an ninh mạng của Bkav ghi nhận tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng. Nếu năm 2022, con số này là 69,6% thì trong năm 2023 là 73%.

Bị VNDirect trích lập phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng, BKAV Pro của ông Nguyễn Tử Quảng đang kinh doanh ra sao? - Ảnh 3.

Năm 2023, hệ thống giám sát và cảnh báo virus của Bkav ghi nhận có tới 745.000 máy tính bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản (Facebook, ngân hàng), tăng 40% so với năm 2022. Phát tán mạnh nhất phải kể đến các dòng như RedLineStealer, ArkeiStealer, Fabookie… đều nằm trong top 20 dòng virus lây nhiễm mạnh ở Việt Nam.

Nếu như năm ngoái, các virus này vẫn còn “sơ khai”, chỉ đánh cắp dữ liệu tài khoản, mật khẩu, cookies… thì năm nay, chúng đã được “nâng cấp” để đặc biệt nhắm vào các tài khoản Facebook Bussiness, truy vấn thêm các thông tin về phương thức thanh toán, số dư... Khai thác thành công, hacker sử dụng chính tài khoản nạn nhân để âm thầm chạy quảng cáo thay vì ngay lập tức chiếm tài khoản hòng kiếm thêm lợi nhuận, nâng cao thứ hạng (SEO) các trang web phát tán mã độc...

Các dòng virus đánh cắp tài khoản chủ yếu lây lan qua các phần mềm bị bẻ khóa (crack). Điều này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của Bkav khi có tới 53% máy tính tại Việt Nam có sử dụng phần mềm crack. Dẫn tới việc, khoảng 10% người dùng tại Việt Nam bị mất tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng... Những tài khoản bị đánh cắp này sẽ bị kẻ xấu sử dụng để tiếp tục lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.

Credit: Hà My theo Nhịp sống thị trường
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
418,662
Messages
7,074,443
Members
170,759
Latest member
vutran105
Back
Top Bottom