News Năm chao đảo của thị trường tiền số

Đầu năm, những dấu hiệu của "mùa đông" đã trở nên rõ ràng. Giá Bitcoin từ đỉnh gần 68.000 USD vào tháng 11/2021 đã liên tục sụt sâu và đến giữa tháng 12 chỉ còn quanh mức 17.000 USD, tức giảm tới 70% giá trị. Một số hãng phân tích nhận định token này có thể còn hạ xuống dưới 10.000 USD. Hàng loạt vụ trộm cắp đã diễn ra, chỉ số sợ hãi của người chơi tiền số tăng vọt, các công ty lớn bất ngờ phá sản khiến 2022 trở thành năm tồi tệ với thị trường tiền số.

tien-so-2022-8104-1671114171.jpg

Trộm cắp​

Đêm 29/3, Sky Mavis - kỳ lân công nghệ Việt Nam mở màn chuỗi ngày tồi tệ của thị trường tiền số toàn cầu khi thừa nhận hacker tấn công vào cầu nối Ronin và lấy đi khoản tiền số trị giá 625 triệu USD khi đó. CoinDesk gọi đây vụ hack lớn nhất trong lịch sử DeFi, vượt cả vụ tấn công mạng Poly Network vào tháng 8/2021, khi hacker đánh cắp lượng tiền số tương đương 611 triệu USD trước khi trả lại toàn bộ. FBI vào cuộc điều tra, Sky Mavis tuyên bố sẽ bồi thường tiền cho nạn nhân, nhưng những điều đó không đủ để giữ chân người dùng. Thống kê của Active Player cho thấy từ 2,7 triệu người dùng hàng tháng vào tháng 1, đến nay game Việt này còn hơn 460.000 người dùng mỗi tháng.

Sau vụ hack chấn động, giới chuyên gia cho rằng thị trường crypto đã có giai đoạn phát triển quá nóng, khiến các dự án bỏ quên khâu bảo mật quan trọng. Tuy nhiên, gần như không bài học nào được rút ra sau đó. Báo cáo của công ty bảo mật blockchain CertiK cho thấy riêng trong tháng 4, ít nhất 31 vụ đánh cắp tiền mã hoá lớn được ghi nhận, với số tiền hơn 370 triệu USD bị lấy đi.

Ngay cả những mạng blockchain lớn như Solana cũng bị tin tặc tấn công khiến hàng nghìn người dùng mất sạch tiền hồi tháng 8. Đến tháng 10, cầu nối BSC Token Hub của Binance bị hacker nhắm đến, ước tính thiệt hại 586 triệu USD. Cathy Yoon, Giám đốc pháp lý của công ty tiền điện tử MPCH, cho biết có tới 6 trong tổng số 10 vụ hack lớn nhất lịch sử tiền mã hoá diễn ra trong năm 2022, khiến niềm tin vào thị trường bị lung lay.

Sụp đổ​

2022 cũng chứng kiến những vụ sụp đổ của hàng loạt ông lớn tiền số. Ngay sau vụ hack Axie là thời khắc hỗn hoạn đầu tháng 5 khi token Luna và đồng stablecoin (tiền số ổn định giá) UST của Terra lao dốc. Trước khi sụp đổ, Luna được đánh giá là đồng tiền số đáng tin cậy, đội ngũ đứng sau hùng hậu, được nhiều quỹ đầu tư, vốn hóa khi đạt đỉnh lên tới hơn 30 tỷ USD.

Do đó, Economic Times đã gọi đây là "vụ thảm sát" đối với nhà đầu tư khi giá Luna giảm 99,6%, từ đỉnh 86 USD ngày 4/5 rơi thẳng đứng xuống còn 0,005 USD vào sáng 13/5. Sau sự cố, thay vì tìm cách cứu vãn dự án, CEO Do Kwon tuyên bố tạo ra phiên bản Luna 2.0, khiến cộng đồng phẫn nộ vì tài sản của họ đổ vào Luna cũ sẽ mất trắng.

Khi thảm hoạ xảy ra, nhóm hacker mũ trắng Tree of Alpha đánh giá Luna là "một trong những cú sập trong vòng xoáy tử thần lớn nhất lịch sử thị trường tiền điện tử". Nhóm cho rằng sự sụp đổ này không khác gì mô hình Ponzi của Bitconnect - vụ lừa đảo 2,4 tỷ USD khiến thị trường tiền mã hóa bị mang nhiều tai tiếng trong thời gian dài. Sau đó, cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện Do Kwon và Terra đã có những hành động bất thường trước khi thảm hoạ xảy ra. Dù bị truy nã, hiện vẫn không ai biết CEO 9x đang ở đâu.

Thảm họa Luna tạo nên "hiệu ứng domino", tác động đến hàng loạt công ty hàng đầu trong thị trường tiền mã hoá. Cuối tháng 6, quỹ đầu tư Arrows Capital (3AC) vỡ nợ với khoản vay trị giá hơn 670 triệu USD bằng tiền số, với nguyên nhân là đầu tư vào Terra. Đầu tháng 7, sàn giao dịch Voyager Digital cũng nộp đơn xin phá sản với khoản nợ ước tính đến 10 tỷ USD. Một tuần sau, Celsius Network - hãng cho vay tiền số hàng đầu thế giới - sụp đổ.

Khi dư chấn từ cú sập Luna vẫn còn kéo dài dai dẳng, đến đầu tháng 11, cuộc khẩu chiến giữa hai tỷ phú tiền số là Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập FTX, và Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, lại khơi mào một thảm họa mới.

Sau những tin đồn về tình hình tài chính bất ổn của FTX bị lan ra, CZ tuyên bố bán toàn bộ số FTT (token của FTX) trị giá 2,1 tỷ USD. Điều này kích hoạt một đợt bán tháo, đẩy sàn tiền số lâm vào khủng hoảng thanh khoản. Ngày 8/11, từ mức giá 22 USD mỗi token, FTT giảm mạnh còn 2,4 USD sau vài giờ. Tài sản của Sam Bankman-Fried cũng mất 94%, từ gần 16 tỷ USD xuống 991,5 triệu USD. Ngày 11/11, FTX nộp đơn phá sản. Tiền của hàng triệu người dùng bị mắc kẹt trên sàn. Ngày 12/12, Sam Bankman-Fried bị bắt và đối mặt mức án lên đến 115 năm với loạt cáo buộc liên quan đến lừa đảo.

Tương tự Luna, thảm họa FTX gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với thị trường tiền số. Ngày 28/11, BlockFi, một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới, tuyên bố phá sản do liên quan đến vụ sập sàn FTX.

Những ngày cuối năm, sóng gió với thị trường tiền số chưa dừng lại. Ngày 13/12, hàng tỷ USD bất ngờ bị rút khỏi Binance - sàn tiền số lớn nhất thế giới. Kể từ khi FTX sụp đổ, đây là lần rút có quy mô lớn thứ hai trên thị trường tiền mã hóa và nhiều nhất lịch sử Binance 5 năm qua kể từ khi thành lập. Trước cú sập chóng vánh của gã khổng lồ FTX, nỗi sợ của cộng đồng trước sự mong manh của thị trường tiền số càng sâu sắc. Các chuyên gia nhận định việc người dùng liên tục rút tiền khỏi nền tảng và bán tháo token có thể gây ra một cú chao đảo mới.

Bong bóng NFT​

Trái với cú sụp đột ngột của các công ty tiền số, trong năm 2022, cộng đồng NFT lại trải qua "chuyến tàu lượn" nhiều cảm xúc. Từ đầu năm, công nghệ này được xem là "đốm lửa" giúp cộng đồng vượt qua "mùa đông". Hàng loạt bộ sưu tập NFT triệu USD cháy hàng ngay khi vừa ra mắt. Nhiều người bất ngờ đổi đời khi bán NFT selfie giá triệu USD, NFT hình thùng rác cũng thu về 250.000 USD, thậm chí NFT hình giấy vệ sinh cũng đạt hàng triệu USD.

Cơn sốt NFT lan rộng khắp các ngóc ngách đời sống, từ các ngôi sao bóng đá đến nghệ sĩ nổi tiếng đều nhiệt tình hưởng ứng. Tuy nhiên, cơn sốt NFT nhanh chóng trở thành chủ đề gây tranh cãi khi các vụ trộm cắp, đạo nhái ý tưởng diễn ra ngày một nhiều. Không ít giá trị của các bộ sưu tập mang tính đầu cơ nhiều hơn nghệ thuật. Những tranh cãi này đưa NFT đến một ngã rẽ quan trọng. Cuối tháng 4, một sàn giao dịch NFT ở Trung Quốc bị phạt 4.000 nhân dân tệ (611 USD) vì "tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền". Đây là lần đầu một tòa án của Trung Quốc đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt liên quan đến NFT và có thể trở thành hình mẫu tham khảo cho các tình huống tương tự trong tương lai.

Cơn sốt NFT còn được tiếp sức bởi Meta khi Instagram tích hợp NFT vào tháng 5 và đến tháng 7 mở rộng cho người dùng Facebook. Với sự nhập cuộc của ông lớn mạng xã hội, người dùng không còn phải cất những NFT trị giá hàng nghìn USD trong ví mà đã có thể chia sẻ khắp mạng xã hội. Giữa tháng 7, làn sóng đúc NFT miễn phí nở rộ càng khiến cộng đồng sôi động, bất chấp những tin tức xấu đang bủa vây thị trường tiền số.

Tuy nhiên, đến cuối năm, NFT không còn được nhiều người nhắc đến. Có những NFT quý hiếm, trị giá hàng triệu USD như CryptoPunk số hiệu #273 từ đỉnh 1,03 triệu USD giờ chỉ còn hơn trăm nghìn USD. NFT tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey từng được mua ở mức 2,9 triệu USD cũng mất giá xuống còn 280 USD. Theo Dap Radar, khối lượng NFT giao dịch trên OpenSea cuối tháng 8 chỉ còn gần 5 triệu USD, thấp hơn 99% so với mức kỷ lục 405,75 triệu USD vào ngày 1/5. Bên cạnh đó, số người giao dịch trên nền tảng cũng giảm mạnh, cho thấy giá trị và sự quan tâm đến các bộ sưu tập NFT đã lao dốc ở mức không tưởng. Nhiều chuyên gia lo ngại bong bóng NFT sắp vỡ.

Ethereum hợp nhất thành công​

Giữa hàng loạt tin tức tồi tệ bao phủ, tin vui lớn với cộng đồng tiền mã hoá là sự kiện The Merge - hợp nhất mạng Ethereum diễn ra thành công hôm 15/9. Sau cột mốc này, quy trình xác thực Ethereum chuyển từ bằng chứng công việc (PoW) sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS), giúp hạn giảm lượng carbon tiêu thụ tới 99,95%.

Việc hợp nhất mạng Ethereum thành công có hai ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thị trường tiền số. Đầu tiên, Ethereum trở nên "xanh hơn". Trước khi The Merge diễn ra, Ethereum ngốn khoảng 112 TWh/năm với cơ chế PoW. Con số này tương đương lượng điện tiêu thụ của cả Hà Lan. Khi chuyển sang PoS, mức này giảm chỉ còn 0,01 TWh/năm, thay đổi đáng kể cái nhìn kém thân thiện của các nhà lập pháp và cộng đồng về ngành công nghiệp tiền mã hoá. Ý nghĩa quan trọng thứ hai với người dùng là sau khi chuyển sang PoW, mạng Ethereum có thể cải thiện được tốc độ, phí giao dịch, giúp nhiều người có thể tiếp cận công nghệ này hơn.

Nhưng mặt khác, The Merge thành công lại là tin xấu với cộng đồng khai thác. Hậu hợp nhất, thợ đào Ethereum thất nghiệp. Một số chuyển sang khai thác những đồng mã hoá khác, số khác quyết định bán tháo "trâu cày" và giải nghệ. Ở cấp độ tác động lớn hơn, nhiều công ty lớn đã chuyển từ khai thác Ethereum sang Bitcoin. Điều này khiến độ khó Bitcoin liên tục đạt đỉnh. Độ khó tăng đồng nghĩa thợ đào phải nâng cấp máy đào chuyên dụng, cần nhiều điện năng hơn để giải thuật toán. Để thích ứng với "mùa đông tiền số" năm nay, thợ đào đang đứng trước hai ngã rẽ. Trong khi nhiều trang trại lớn rơi vào cảnh nợ nần, số khác lại đang làm ra ăn nên khi nhanh chóng chuyển sang dùng năng lượng xanh như điện mặt trời để vận hành máy đào.

Nhìn lại một năm thị trường tiền mã hoá, các nhà kinh tế học của Goldman Sach nhận định khủng hoảng của FTX có thể là đỉnh điểm của "mùa đông". Trong những tháng đầu 2023, thị trường có thể có một đợt biến động mạnh nhưng về lâu dài, hợp nhất thành công mạng Ethereum giúp các nhà quản lý có cái nhìn tích cực hơn về tiền mã hóa. Trong thông báo đầu tháng 12, JPMorgan, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, cũng nhận định: "Ethereum hậu hợp nhất sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường tiền điện tử trong 6-12 tháng tới".
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
417,444
Messages
7,058,893
Members
169,781
Latest member
tai789clubhelp

Most viewed of week

Most viewed of week

Back
Top Bottom