KHÁM PHÁ BÍ MẬT THẾ GIỚI NGẦM HACKER VIỆT NAM

Hiện tượng những thanh thiếu niên trẻ tuổi dành nhiều thời gian bên máy tính để tìm hiểu, thực hiện những kỹ thuật tấn công (hack) và bẻ khóa phần mềm (crack) không xa lạ gì đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Từ chỗ là những kẻ mới tập toẹ vào nghề (script kiddies, newbie), họ dần dần trở nên thành thạo và trở thành những hacker, cracker. Nhưng trước khi trở nên tinh thông, họ đã phải trải qua giai đoạn tham gia các forum (diễn đàn trên Internet), các mailing list (hộp thư thoại) và các tổ chức do giới hacker lập ra để trao đổi thông tin, học hỏi những kiến thức về hack và crack. Trên thế giới, có nhiều tổ chức hacker hoạt động rất rầm rộ. Chẳng hạn như ở Mỹ, hàng năm giới hacker tổ chức hội thảo Defcon. Hội thảo này không chỉ có sự tham gia của những hacker tại Mỹ mà còn quy tụ những hacker đến từ các nước khác. Còn ở châu Âu, giới hacker cũng đứng ra tổ chức hội thảo thường niên CeBit. Vậy thì tại Việt Nam, có hay không một thế giới ngầm hacker hoạt động có tổ chức, có tôn chỉ mục đích đàng hoàng, hay chỉ là một sự liên kết lỏng lẻo giữa những thanh thiếu niên muốn thể hiện trình độ của mình? Phóng viên của eChip đã thâm nhập vào giới hacker để tìm hiểu về điều này.

3 Website của hacker Việt Nam

Cho đến thời điểm này, trên Internet xuất hiện tương đối nhiều website bàn về hack và crack do giới trẻ Việt Nam lập nên. Nói chung, đây là những website “tự phát”. Những website này bắt nguồn từ “ý thích” của một người hoặc một nhóm người nào đó. Họ bỏ công thiết kế và sau đó thuê một máy chủ tại nước ngoài để đặt website, sau đó quảng bá liên tục để thu hút thành viên. Nói chung, những website thu hút được nhiều thành viên đa số là nhờ có người quản trị giỏi, kiến thức về hack và crack phong phú. Hiện nay có 3 website của giới hacker Việt Nam thu hút được nhiều thành viên nhất, đó là website của Hackervn, VietHacker và HKC. Có thể coi đây là 3 tổ chức hacker có mạng lưới hoạt động rộng khắp nhất.

Website của Hackervn (HVA) do một hacker có biệt danh Onin đứng đầu. Website có số lượng chuyên mục khá phong phú, cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Có lẽ vì vậy mà nó thu hút được một số lượng thành viên khá đông đảo, khoảng 2.000 thành viên, trong đó có hơn 150 thành viên cốt cán. Được biết, một thành viên của HVA ở Anh quốc đã bỏ tiền túi ra thuê máy chủ đặt website cho HVA. Có thể coi HVA là một tổ chức hacker hoạt động có tôn chỉ mục đích rõ ràng. Trên website của tổ chức này, người ta có thể đọc thấy dòng chữ: “Mục đích của chúng tôi là cung cấp tất cả các kiến thức liên quan đến bảo mật và góp phần thúc đẩy sự nắm bắt kiến thức bảo mật điện toán trong cộng đồng... Chúng tôi không viết virus cũng như không dung túng cho hành vi viết và phát tán virus. Chúng tôi không đánh cắp mật khẩu của người dùng. Chúng tôi không phá huỷ dữ liệu của bất cứ website nào. Chúng tôi không truyền bá ảnh đồi trụy. HVA có quyền gỡ bỏ bất cứ thành viên hoặc bài viết nào vi phạm những điều trên”. Tuy nhiên, với những kiến thức về hack và crack cung cấp trên Website này, không một ai dám đảm bảo rằng các thành viên sẽ không sử dụng vào mục đích xấu.

Một website khác cũng khá “nổi tiếng” là website của VietHacker. Website này quy tụ được hơn 1.000 thành viên, trong đó có hơn 100 thành viên chính. Những người đứng đầu website này có biệt danh là Microsoftvn, Kha, Baodainhan và DarkAngel. Đáng chú ý có Microsoftvn, mới chỉ 19 tuổi (sinh năm 84) nhưng đã có nhiều thành tích trong việc xâm nhập và tấn công máy tính. Tại Đại hội Hacker Việt Nam lần 1 (tổ chức vào ngày 1/11/2002), anh này đã từng tuyên bố có thể hạ được tất cả các website có tên miền .vn trong vòng 1 ngày, vì đã nắm được mật khẩu ftp của các site này đặt tại máy chủ của VDC và FPT. Thậm chí, Microsoftvn còn tuyên bố rằng anh ta sẵn sàng làm công tác bảo mật cho VDC và FPT với cái giá khởi điểm là 10.000 USD.

Cuối cùng phải kể đến website Hacker Club (HKC) của một người có tên là LPTV. Website này có khoảng 2.000 thành viên, trong đó có 6 thành viên trụ cột, bao gồm LPTV, Binhnx, Soccerer, Tikhung, Hoavenu và Bazoka. Các thành viên này được phân chia phụ trách vùng hoạt động của HKC tại 3 miền đất nước và nước ngoài. Hoavenu phụ trách miền Nam, miền Trung là Tikhung và Bachocdien, miền Bắc là Binhnx và Soccerer. Hacker Bazoka phụ trách Bắc Âu và châu Mỹ. Thậm chí, tổ chức này có một người quản lý tài chính riêng. Người này là một cô gái, có nick là icetest, đang du học tại Úc. Cô này có một tài khoản riêng. Các thành viên cốt cán của HKC hàng tháng tự nguyện đóng góp một khoản tiền, sau đó chuyển vào tài khoản của cô gái làm quỹ chung. Theo điều tra của phóng viên eChip thì mỗi tháng các thành viên chủ chốt của HKC đóng góp trung bình 2 triệu đồng vào quỹ này. Số tiền trong quỹ sẽ được chi dùng cho việc thuê máy chủ, hội họp, quà sinh nhật v.v... 6 thành viên chính của HKC còn có một nơi cất giữ các công cụ hack, crack, các tài liệu bí mật trên mạng. Chỉ khi 6 người này cùng truy cập một lúc thì mới mở được “cửa vào”.

Những người đứng đầu 3 website HVA, VietHacker và HKC có sự liên hệ chặt chẽ với nhau qua thư điện tử và chương trình tán gẫu (chat). Đặc biệt, phần mềm chat đã được họ sửa đổi để có thể chat một cách an toàn giữa hai người với nhau.

Thời gian đầu mới thành lập, cả 3 website nói trên đều có xu hướng truyền bá và cổ vũ cho việc tấn công máy tính, xài account “chùa”. Tuy nhiên, sau khi hàng loạt các website của hacker như clbmatma.net bị nhà chức trách “dẹp tiệm”, và 2 hacker ở TP.HCM bị bắt, các hacker khác bị “hỏi thăm”, thì những website này đã chuyển sang hoạt động với tiêu chí “không phá hoại, không truyền bá virus, không gửi ảnh khiêu dâm...”. Tuy nhiên, sự tự giác và giác ngộ của từng thành viên vẫn là một dấu chấm hỏi.

Các hacker Việt Nam, họ là ai?

Cả 3 website nói trên đều rất linh động trong việc tiếp nhận thành viên. Một thành viên của website này hoàn toàn có thể tham gia với tư cách thành viên của một website khác. Đa phần thành viên của các website hacker Việt Nam đều rất trẻ. Họ là các sinh viên, học sinh đang theo học các trường kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng có lác đác một vài người học các trường về khoa học xã hội. Điển hình là LPTV, anh này tuy là một “trùm hacker” nhưng lại học trường Báo chí.

Trong giới hacker Việt Nam cũng xuất hiện những nhân vật “có tầm cỡ”, hiện đang làm cho các công ty trong và ngoài nước. Những người này không bao giờ cầm đầu các website, mà hoạt động rất âm thầm lặng lẽ. Bởi lẽ họ biết rằng nếu để lộ tung tích thì sẽ không có lợi cho công việc của mình. Trình độ của họ rất đáng kính nể. Đó là những người đang làm việc cho ngân hàng ACB, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Đại học Bách khoa, thậm chí chân rết của hacker Việt Nam còn len lỏi cả vào các công ty công nghệ thông tin hàng đầu như VDC và FPT.

Một lực lượng khác cũng không kém phần tài năng là các sinh viên Việt Nam đang theo học tại nước ngoài. Đây là những người vừa có kỹ năng, vừa có điều kiện sử dụng Internet. Các hacker như bazoka, huongvn, icetest đã đóng góp rất nhiều cho sự tồn tại của các website hacker Việt Nam.

Một số “chiến tích” của hacker Việt Nam

Năm 1996, khi Việt Nam tiến hành thử nghiệm trao đổi e-mail với thế giới (lúc đó là e-mail giữa Thủ tướng nước ta và Thủ tướng Thụy Điển), một hacker Việt Nam ở Australia đã đột nhập vào mail server và lấy cắp được địa chỉ e-mail này, sau đó dùng chương trình bom thư gửi lung tung. Mãi về sau này các chuyên gia máy tính mới phát hiện ra tung tích của hacker này.

Năm 1997, khi Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet, hàng loạt các server bị hacker Việt Nam đột nhập, lấy đi nhiều account của khách hàng. Cho đến năm 2001 thì nạn đánh cắp account đã trở nên phổ biến. Một số website của hacker liên tục cung cấp những account “chùa”, điển hình là clbmatma.net, hackervn.com, netanh.com... Nhiều khách hàng đã phải trả những số tiền khổng lồ, lên tới vài chục triệu đồng, do bị quá nhiều người sử dụng chung account.

Sau khi Tổng công ty Bưu chính Viễn thông áp dụng một số biện pháp bảo mật account như giới hạn số điện thoại truy cập, cung cấp cho khách hàng danh sách các số điện thoại truy cập vào account của họ, thì các hacker chuyển hướng sang tấn công Website. Do các web server của Việt Nam thường chạy chương trình Internet Information Server (IIS), mà chương trình này có rất nhiều lỗ hổng, nên các hacker chẳng khó khăn gì trong việc xâm nhập và thay đổi trang chủ website. Vào tháng 3 năm 2000, khoảng hơn 20 Website đã bị hacker tấn công và thay thế nội dung trang chủ. Trong tháng 6 năm nay, một ngân hàng lớn của Việt Nam đã bị hacker tấn công. Theo những tin tức lan truyền trong giới hacker thì một số tài khoản của khách hàng đã bị lấy cắp và tiêu xài. Hiện tại, các hacker đang có xu hướng xâm nhập vào máy chủ của các công ty lớn để lấy mật khẩu và các tài liệu quan trọng.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng có nhiều hacker sau khi xâm nhập được vào máy chủ đã để lại những dấu hiệu hoặc những dòng tin nhắn, thông báo cho người quản trị biết lỗ hổng bảo mật mà anh ta đã xâm nhập, giúp người quản trị có thể khắc phục kịp thời.

Những câu chuyện thú vị xung quanh hacker Việt Nam

Tấn công máy tính để tìm người yêu

Có một câu chuyện khá ly kỳ và thú vị xung quanh việc tìm bạn gái của một hacker Việt Nam. Người này có tên biệt danh là Tikhung. Anh ta có một sở thích là lên mạng tán gẫu (chat) với các cô gái. Sau nhiều lần nói chuyện, Tikhung thấy “kết môđen” với một cô ở Hà Nội. Anh ta đã quyết định hack vào máy tính của cô gái để tìm địa chỉ IP, sau đó xâm nhập vào server của VDC để tìm ra số điện thoại của cô gái. Do Tikhung ở Đà Lạt nên anh ta đã nhờ bạn bè hacker ở Hà Nội tìm đến nhà cô gái, theo dõi và chụp ảnh. Một hacker tên là V đang học khoa Đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh đã thực hiện công việc chụp ảnh cô gái và gửi vào cho Tikhung. Sau khi xem ảnh và “duyệt”, anh ta tiếp tục ôm mối tơ vương qua những lần chat trên mạng. Một lần, cô gái vào Đà Lạt công tác, họ đã gặp mặt nhau. Nhưng than ôi, cô gái thì cao lênh khênh, còn chàng trai thì thấp nhỏ, đi cạnh nhau như đôi đũa lệch. Kết quả thế nào chắc hẳn mọi người đã rõ.

Hacker tấn công website hacker

Website HVA trong những ngày đầu đưa lên mạng đã từng bị một nữ hacker có biệt danh vnhacker tấn công. Cô này đã thay thế trang chủ website bằng một bài viết khá hay. Nội dung bài viết đả phá tính xấu của các hacker như thích xem ảnh XXX, không có tài năng mà chỉ sử dụng những công cụ tấn công có sẵn... Bài viết có đoạn: “Một số kẻ mò mẫm trên Internet được một vài chương trình tận dụng các lỗi của web server IIS của Microsoft. Những chương trình này thì con nít biết tiếng Anh đọc rồi làm theo cũng được! còn kiến thức của những "hacker" này? hihihi thậm chí lệnh của DOS nhiều khi cũng không biết... Những kẻ cầm đầu cái tổ chức (thực ra là một forum) này tự xưng mình là "expert hackmaster" và đi khắp các forum khác để thách thức mọi người hack vào website hackervn.org của chúng. Ðúng là chỉ có những kẻ quá kiêu căng khoác lác mới có những hành vi như thế...Thể theo lời yêu cầu của các "expert hackmasters" vnhacker đã deface trang web nhảm nhí này”.

Tìm một giải pháp cho hacker Việt Nam

Hiện tượng giới trẻ Việt Nam muốn khám phá các ngóc ngách của công nghệ thông tin, muốn thể hiện mình không phải là một điều gì đó quá bất thường. Vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan, tổ chức xã hội nên có những nghiên cứu nghiêm túc về hiện tượng này, nhằm tìm kiếm một giải pháp giúp hacker có thể phát huy khả năng của mình cho những công việc có ích. Chúng tôi được biết Giám đốc một công ty tin học trong nước đang có ý định ký hợp đồng với hacker để họ giúp công ty này phát hiện các lỗ hổng bảo mật trong server. Còn có rất nhiều giải pháp khác mà chúng tôi cho rằng sẽ giúp hacker “cải tà quy chính”, chuyển sang đội chiếc “mũ trắng” thay vì “mũ đen”.

P.V
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
 

Announcements

Today's birthdays

Forum statistics

Threads
427,876
Messages
7,220,518
Members
180,043
Latest member
hitclubfaith

Most viewed of week

Most discussed of week

Most viewed of week

Most discussed of week

Back
Top Bottom