Năm 2023, Dược phẩm Hà Tây ghi nhận doanh thu đạt 2.000,6 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 mà CTCP Dược phẩm Hà Tây (Hataphar, MCK: DHT) vừa công bố, trong quý, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 474,5 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn cũng giảm tương ứng, kéo theo lợi nhuận gộp của DHT giảm hơn 18%, xuống 48 tỷ đồng.Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm từ hơn 5 tỷ đồng xuống còn hơn 3 tỷ đồng, chi phí tài chính cũng giảm nhẹ xuống còn 4,4 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi, lên mức 24 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng 15%, lên hơn 6 tỷ đồng.
Kết quả, DHT báo lợi nhuận sau thuế đạt 16,8 tỷ đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung cả năm 2023, DHT ghi nhận doanh thu đạt 2.000,6 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 89 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Dược phẩm Hà Tây đang dừng ở mức 1.838,3 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.
Trong đó, khoản tiền, tiền gửi ngân hàng của DHT tăng mạnh gấp 2,6 lần, đạt 381,8 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 378,9 tỷ , giảm 17,7% so với số đầu năm.
Tính đến hết quý IV/2023, DHT có tổng số nợ phải trả đạt 771 tỷ đồng, tăng gần 15% so với hồi đầu năm. Trong đó, có gần 504 tỷ đồng nợ vay tài chính.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2023, DHT đã thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp của CTCP Dược và Thiết bị Y tế Hà Tây tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Y Dược Hà Nội. Đến thời điểm lập Báo cáo tài chính này, việc chuyển nhượng phần vốn góp nêu trên vẫn chưa hoàn tất. Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư này tại ngày 31/12/2023 là gần 3,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí sản xuất dở dang cơ bản của DHT ghi nhận tăng hơn 2 lần đầu năm; lên 638,9 tỷ đồng. Theo thuyết minh, khoản mục này tăng do tăng đầu tư vào Dự án Nhà máy dược phẩm công nghệ cao Hataphar, với 627,7 tỷ đồng. Trong đó lãi vay vốn hoá vào Dự án này lũy kế đến 31/12/2023 là 10,6 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 1,1 tỷ đồng).
Liên quan đến dự án này, trong năm 2023, HĐQT DHT đã thông qua kế hoạch triển khai phương án phát hành thêm 8,4 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ với mức giá chào bán 21.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về khoảng 181 tỷ đồng.
Dược phẩm Hà Tây phát hành thêm 8,4 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.
Trong đó, 78 tỷ đồng sẽ được sử dụng đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP.Hà Nội, còn lại hơn 102 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu lại khoản nợ vay ngân hàng.
Đối tượng của đợt phát hành này là ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (nhà sản xuất dược phẩm lâu năm của Nhật Bản), cổ đông đang sở hữu 24,9% vốn của Dược Hà Tây và cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty hiện nay.
Trước đó, cũng thông qua phát hành riêng lẻ, ASKA Pharmaceutical đã chi 370 tỷ đồng để mua 24,9% cổ phần của Dược Hà Tây vào đầu năm 2021.
Toàn bộ số tiền thu về khi đó được sử dụng cho kế hoạch đầu tư vào Dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar.
Đây là dự án đầu tư quy mô lớn và được đánh giá là một dự án chiến lược của Dược Hà Tây với diện tích hơn 45.000 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.350 tỷ đồng, gấp 1,7 lần quy mô tài sản của Công ty tại thời điểm được ĐHĐCĐ thông qua (quý III/2020).
Credit: Hà Anh theo An ninh tiền tệ