2023 là năm khó khăn với nhóm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán khi lãi ròng toàn doanh nghiệp niêm yết trên thị trường 3 quý đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng trong khó khăn
Dẫu vậy, không ít các doanh nghiệp niêm yết vẫn “ngược dòng” thị trường, thậm chí nhiều công ty báo lãi tăng trưởng nhiều lần.
Những cái tên phải kể đến đầu tiên là trong ngành dầu khí. Thống kê cho thấy tổng lãi ròng quý III/2023 của những tên tuổi dầu khí lớn trên sàn chứng khoán tăng đến 86,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do “crack spread” (sự chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu) tăng bởi nguồn cung toàn cầu thắt chặt và căng thẳng ở Trung Đông. Bên cạnh đó, thị trường phân phối xăng dầu trong nước ngày càng khả quan.
Hiệu quả kinh doanh của nhóm này còn được thể hiện qua chỉ số biên lợi nhuận gộp toàn nhóm trong quý III/2023 đạt 6,6%, cao hơn so với mức 5,3% của quý II/2022. Đây cũng là con số cao nhất lĩnh vực này đạt được tính từ quý IV/2021 (6,9%).
Dù đã tăng mạnh trong năm 2023, song tiềm năng của cổ phiếu dầu khí vẫn được đánh giá cao
Với ảnh hưởng từ “crack spread”, không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trung nguồn (Midstream – vận chuyển, tàng trữ và phân phối dầu, khí) báo lợi nhuận tăng trưởng bằng lần.
Nhóm này gây ấn tượng khi nhiều doanh nghiệp dù ghi nhận doanh thu quý III/2023 suy giảm, song lợi nhuận tăng bằng lần, hoặc thậm chí có lãi trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ. Cụ thể, thống kê cho thấy, doanh thu của nhóm này trong quý III/2023 đều đồng loạt giảm từ 1,74% đến 42,08%, song biên lợi nhuận gộp ở mức rất cao đã hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận (với ảnh hưởng tích cực từ chủ yếu từ “crack spread” quý III/2023 tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái như đã đề cập).
Một trong số đó phải kể đến là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR) với lãi ròng quý III/2023 đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 611% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là đơn vị có tốc độ tăng trưởng lãi ròng cao nhất trong nhóm dầu khí. Hay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX) báo tăng 284,3% đạt 729,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (UPCOM: OIL), CTCP Vật tư - Xăng dầu (HoSE: COM) và Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (UPCOM: TLP) cũng báo lãi ròng quý III/2023 "đảo chiều" sang mức dương trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ lớn.
Không chỉ dầu khí, nhóm cổ phiếu thép cũng cho thấy các con số tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Ngành thép cũng có mùa kết quả kinh doanh tích cực với nhiều công ty báo lợi nhuận dương trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ ròng. Đáng chú ý, tổng lãi ròng nhóm này tăng gấp 3 lần so với quý II/2023. Sự cải thiện mạnh mẽ này đến từ việc biên lợi nhuận gộp tăng (+0,8% so với quý trước, +8% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ chi phí đầu vào giảm.
Loạt tên tuổi lớn nhóm thép đã công bố các con số tăng trưởng ấn tượng. Tiêu biểu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) với lãi ròng quý III/2023 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm 2022 và 38% so với quý trước. Tương tự, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) với lãi ròng quý IV/2023 (niên độ từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/9/2023) đạt 438 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 887 tỷ đồng. Hay, CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng báo lãi quý III/2023 đạt 23,6 tỷ đồng, dù quý III/2022 lỗ gần 419 tỷ đồng.
Bên cạnh 2 nhóm ngành kể trên, các lĩnh vực như dịch vụ tài chính (+28,3%), dịch vụ hỗ trợ (+13,1%), công nghiệp (+57%), bảo hiểm (+34,2%), dịch vụ hỗ trợ (+17,9%), công nghệ (+17,1%)… cũng ghi nhận lợi nhuận tăng tốt.
Triển vọng năm 2024
Sự vững vàng trong năm 2023 là nền tảng quan trọng cho đà phục hồi của các doanh nghiệp ở năm 2024.
Đội ngũ phân tích của MBS kỳ vọng, lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV/2023, từ đó khiến lợi nhuận thị trường cả năm 2023 chỉ giảm nhẹ 2% so với năm 2022 (thấp hơn so với dự báo vào tháng 10/2023).
Về triển vọng nhóm ngành trong năm 2024, các doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí đang được giới chuyên môn kỳ vọng rất cao, nhất là trong nửa cuối năm 2024.
Ngoài ra, nhóm vận tải dầu được dự báo hưởng lợi nhờ vào nhu cầu vận tải tấn-dặm đối với dầu thô và dầu sản phẩm trên thế giới được dự báo liên tục tăng, trong khi nguồn cung tàu mới và tốc độ vận chuyển hạn chế dẫn đến cước vận tải dầu thô và dầu sản phẩm tăng cao trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia phân tích cho rằng, giá cước này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất đến hết năm 2024 nhờ chênh lệch cung-cầu thế giới.
Nhóm thép cũng được đánh giá là “sáng cửa” trong năm 2024 nhờ vào giá bán và biên lợi nhuận gộp phục hồi. Trong năm 2024, MBS dự báo giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với cùng kỳ) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường nội địa. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ có thể giúp phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% (theo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.
Cùng với đó, giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với cùng kỳ trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm. Giá bán hồi phục và nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép. Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% so với cùng kỳ.
Tương tự, lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải biển trong năm 2024 cũng được dự báo hồi phục tích cực do sản lượng luân chuyển tiếp tục tăng nhờ mở rộng đội tàu và mở rộng thị trường khai thác quốc tế; giá cước container toàn cầu dự báo phục hồi 15% so với cùng kỳ trong năm 2024; và tỷ giá cùng lãi suất USD dự báo hạ nhiệt trong năm 2024 sẽ làm giảm chi phí tài chính.