Help Chỉ số lãi suất cơ bản ảnh hưởng như thế nào đến thị trường ngoại hối?

newbreturn

Newbie
Joined
Apr 28, 2011
Messages
10
Reactions
9
MR
0.001
Chào tất cả các bạn,

Trong bài viết này tôi sẽ trình bày về chỉ số lãi suất cơ bản và ảnh hưởng của chỉ số này đến sự biến động của thị trường ngoại hối trong khả năng hiểu biết của mình. Các bạn sẽ thấy đây là một chỉ số ảnh hưởng rất mạnh đến sự biến động của tỷ giá các cặp tiền tương ứng.

Vâng, đơn giản có thể hiểu lãi suất cơ bản (Interest Rate) chính là chi phí phải trả để có thể vay được tiền. Lãi suất cơ bản được công bố bởi ngân hàng Trung ương của các quốc gia, sau đó các ngân hàng thương mại sẽ dựa trên mức lãi suất cơ bản này để xây dựng lên khung lãi suất huy động từng đơn vị của mình. Khi lãi suất cơ bản thay đổi, đồng nghĩa với việc rất nhiều các đơn vị kinh tế khác sẽ bị ảnh hưởng, và có lẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất đó là lĩnh vực nhà đất, bất động sản và hệ thống các ngân hàng thương mại. Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu xem nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi lãi suất thay đổi?

Khi lãi suất tăng, việc vay mượn tiền sẽ trở nên khó khăn và đắt đỏ, vì vậy mà nhu cầu tiêu dùng và đầu tư sẽ bị sụt giảm. Mọi người sẽ giảm nhu cầu vay mượn, thay vào đó là tiết kiệm, những ai mà đã có những khoản vay mượn sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập vì họ phải trả thêm tiền lãi cho những khoản đã vay đó. Các công ty, doanh nghiệp cũng sẽ không dám mạnh tay đầu tư vì chi phí phải trả cho lãi suất là rất lớn, gây rủi ro đến doanh số và lợi nhuận của họ. Bên cạnh đó, lãi suất cho các món hàng thế chấp vì thế cũng tăng lên theo. Nhìn một cách tổng thể hơn, tăng lãi suất đồng nghĩa với việc chi phí phải trả lãi các món nợ của quốc gia đó sẽ tăng lên, điều này có thể dẫn đến việc tăng thuế của quốc gia đó trong tương lai. Tóm lại, việc tăng lãi suất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bởi vì niềm tin tiêu dùng và đầu tư bị suy giảm. Khi một quốc gia quyết định tăng lãi suất, các nhà đầu tư sẽ chuyển dòng tiền của họ gửi vào ngân hàng của quốc gia đó vì lãi suất của ngân hàng này cao hơn so với các ngân hàng quốc gia khác, do vậy mà giá trị đồng tiền của quốc gia đó tăng cao. Liên hệ sang thị trường ngoại hối , khi lãi suất tăng, việc huy động tiền của quốc gia đó sẽ khó khăn vì mọi người chuyển sang tiết kiệm, giá trị đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng. Điều tương tự ngược lại khi lãi suất giảm, giá trị đồng tiền quốc gia đó sẽ giảm.

Vậy lý do làm cho lãi suất cơ bản tăng hay giảm là gì?

Có 2 yếu tố chính quyết định đến sự thay đổi lãi suất: Nguồn cung và Nguồn cầu tiền tệ. Như các bạn biết, tiền có khả năng thanh khoản cao nhất, nó dễ dàng chuyển đổi thành các loại hàng hóa khác. Trong hầu hết các trường hợp, mọi người muốn dự trữ bằng tiền thay vì các hàng hóa khác như cổ phiếu, trái phiếu, … bởi vì như vậy sẽ ít rủi ro chúng sẽ giảm giá trị và để dễ dàng chuyển đổi sang các loại hàng hóa khác. Yêu cầu về tiền tăng trong các trường hợp: nhu cầu tiêu dùng tăng, chi phí để mua hoặc bán các loại hàng hóa khác tăng cao hơn, kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng tiền trong tương lại, tăng nhu cầu dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương (cả đồng tiền nội tệ và ngoại tệ). Chính những điều này thúc đẩy nhu cầu về đồng tiền quốc gia đó tăng lên, và điều ngược lại sẽ làm giảm nhu cầu về tiền tệ. Khi nhu cầu về đồng tiền tăng lên, tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ tăng, ngược lại khi nhu cầu giảm thì lãi suất cũng sẽ giảm. Tỷ lệ lãi suất cơ bản tăng hay giảm còn do kết quả của một lượng lớn dòng tiền chảy trong một chu kỳ nhất định. Các ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất trong cả ngắn hạn và dài hạn bằng cách thao túng nguồn cung cấp tiền thông qua việc điều hành thị trường mở, thay đổi yêu cầu dự trữ cho ngân hàng, hoặc thay đổi tỷ lệ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Khi các ngân hàng trung ưng mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ, điều này đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào lưu thông làm tăng nguồn cung về tiền và như vậy lãi suất sẽ giảm xuống; ngược lại khi ngân hàng bán ra một lượng lớn trái phiếu chính phủ nghĩa là nguồn cung tiền bị giảm và kéo theo lãi suất sẽ tăng lên. Việc các ngân hàng trung ương tác động thay đổi lãi suất thông thường là do 2 yếu tố: lạm phát và tổng thể sức khỏe của nền kinh tế. Khi lạm phát quá cao hoặc tăng quá nhanh, các ngân hàng này có thể sẽ phải tăng lãi suất để làm chậm nền kinh tế và giảm lạm phát. Ngược lại khi nền kinh tế tăng trưởng quá chậm, các ngân hàng này có thể phải giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng và kìm hãm lạm phát. Như vậy rõ ràng sự thay đổi lãi suất là do nguồn cung và nguồn cầu tiền tệ quyết định.

Một yếu tố nữa người ta cũng cho rằng ảnh hưởng đến sự thay đổi của lãi suất đó chính là mức thâm hụt ngân sách. Ví dụ như với nước Mỹ và Trung Quốc. Mức thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ tăng lên bởi vì họ đã vay những khoản nợ rất lớn. Chính phủ có nhu cầu về tiền nhiều dẫn đến lãi suất cơ bản tăng. Ngoài ra, khi chính phủ mượn nhiều tiền, lượng tiền sẵn có trong thị trường sẽ giảm, kết quả là cầu lớn hơn cung cũng dẫn đến lãi suất cơ bản tăng cao. Còn đối với Trung Quốc, chính phủ nước này hạn chế sự tăng giá đồng tiền nước Mỹ bằng cách sử dụng đồng Đôla Mỹ mà họ có được thông qua các hoạt động xuất khẩu để mua các khoản nợ đó của nước Mỹ. Chính việc mua lại và bảo hiểm những khoản nợ đó bằng đồng Đôla Mỹ, Trung Quốc đã giúp tăng nguồn cung tiền và do vậy giảm lãi suất cơ bản cho nước Mỹ. Việc giảm nợ cho Mỹ bằng cách mua lại này, Trung Quốc và một số quốc gia khác như Ấn Độ có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ lãi suất cơ bản của Mỹ.

Vâng, lãi suất cơ bản của các quốc gia thường được công bố bởi ngân hàng Trung ương của quốc gia đó, ở Mỹ thì là cục dữ trữ liên bang – Federal Reserve (FED). Ví dụ: Lãi suất cơ bản đồng bảng Anh (GBP) do ngân hàng Trung ương Anh – Bank of England (BOE) công bố, lãi suất cơ bản đồng Euro (EUR) do ngân hàng Trung ương châu Âu – European Central Bank (ECB) công bố, lãi suất cơ bản đồng Yên (JPY) do ngân hàng Trung ương Nhật – Bank of Japan (BOJ) công bố … Thông thường trong một năm, lãi suất cơ bản này sẽ được các ngân hàng Trung ương công bố vài lần. Cụ thể thời gian công bố các bạn có thể theo dõi ở mục Lịch kinh tế thời gian thực, dưới đây là hình ảnh mẫu:

1.jpg

2.jpg



Vậy khi biết được thời gian chỉ số lãi suất cơ bản này sẽ được công bố, các bạn phải làm gì?

Vâng, chúng ta phải học cách dự báo xem chỉ số lãi suất sắp công bố có thay đổi gì hay không bằng cách theo dõi các chỉ số kinh tế liên quan của quốc gia đó gần đây. Các chỉ số này như đã trình bày ở trên gồm có nguồn cung và nguồn cầu tiền tệ, lạm phát, yêu cầu từ chính phủ, … Thông thường, khi các chỉ số kinh tế đều là tích cực, có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển tốt và dự báo lãi suất sẽ tăng. Nếu những chỉ số này cho thấy sự phát triển không đáng kể của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, khả năng lãi suất vẫn giữ nguyên. Còn nếu những chỉ số này cho thấy, nền kinh tế quốc gia đó đang phát triển chậm lại đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ phải cắt giảm để kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Bên cạnh việc học cách dự báo tỷ lệ lãi suất qua các chỉ số kinh tế, chúng ta còn phải theo dõi các bài phát biểu của các thành viên chủ chốt trong hội đồng ngân hàng đó trước khi họ công bố lãi suất, đồng thời phải xem xét các phân tích dự báo của các tổ chức kinh tế về lãi suất sắp tới. Theo thường lệ, trước khi công bố lãi suất, thành viên chủ chốt của các ngân hàng sẽ có bài phát biểu về chính sách tiền tệ của, những quyết định và hướng đi sắp tới của chính sách đó, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số lãi suất cơ bản sắp được công bố. Ngoài ra thì các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà môi giới cũng sẽ đưa ra các nhận định của họ về sự biến động sắp tới của lãi suất, các bạn có thể cập nhật những nhận định này, sau đó tổng kết lại để đưa ra dự báo cho riêng mình.

Chúng ta phải làm gì khi có một sự thay đổi lãi suất bất ngờ xảy ra?

Có thể các tổ chức kinh tế, các nhà môi giới, các nhà đầu tư và cả bạn đều có chung một dự báo về chỉ số lãi suất cơ bản sắp công bố của một quốc gia, thế nhưng khi kết quả được ngân hàng Trung ương quốc gia đó công bố lại hoàn toàn khác, lãi suất khi đó có thể tăng hay giảm bất ngờ. Và nếu điều này xảy ra, bạn phải nhận định được xu hướng di chuyển tiếp theo của thị trường. Nếu lãi suất tăng, đồng tiền quốc gia đó sẽ mạnh, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ mua đồng tiền đó. Và ngược lại nếu lãi suất bị cắt giảm, các nhà đầu tư sẽ bán đồng tiền quốc gia đó để mua đồng tiền của quốc gia khác có lãi suất cao hơn. Trong những trường hợp như thế này, nếu các bạn đang có lệnh giao dịch cặp tiền của quốc gia công bố lãi suất, các bạn phải xem xét nếu giao dịch đó ngược hướng so với lãi suất được công bố thì phải thanh khoản lệnh đó chốt lời hoặc dịch chuyển điểm dừng lỗ để bảo toàn lợi nhuận. Nếu bạn chưa vào lệnh thì có thể chớp cơ hội giao dịch theo tin vì thông thường lãi suất thay đổi sẽ ảnh hưởng khá lớn đến sức mạnh của đồng tiền. Tuy nhiên, các bạn cũng phải cẩn thận theo dõi những thông tin sau khi công bố lãi suất được ngân hàng Trung ương quốc gia đó phát đi để hiểu được nguyên nhân tại sao lãi suất lại thay đổi bất ngờ như vậy. Những thông tin này thông thường sẽ làm chậm lại sự dao động của đồng tiền quốc gia đó sau khi có một sự biến động mạnh trong ngắn hạn khi lãi suất vừa được công bố.

Nhìn chung, khi có sự thay đổi lãi suất cơ bản bất ngờ của một quốc gia sẽ là một cơ hội rất lớn cho các bạn có thể kiếm lợi nhuận từ việc mua bán đồng tiền quốc gia đó. Các bạn nên tìm hiểu, phân tích để có thể chuẩn bị trước được sự biến động của lãi suất của quốc gia đó để đưa ra những quyết định giao dịch chính xác.
 

Attachments

  • 1.jpg
    1.jpg
    52.3 KB · Views: 86
  • 2.jpg
    2.jpg
    62.1 KB · Views: 55
Last edited by a moderator:

Announcements

Forum statistics

Threads
418,511
Messages
7,072,516
Members
170,602
Latest member
NAMHAIRTT

Most viewed of week

Most viewed of week

Back
Top Bottom