Vừa mua thêm với hy vọng sẽ nhận miễn phí nhiều đồng Luna mới, Nguyễn Phú lo lắng khi thấy số token này bỗng dưng "biến mất" trong ví.
Sáng 27/5, khi mở ví trên sàn Binance, Nguyễn Phú (Hà Nội) thấy số Luna trị giá hơn 500 USD không còn xuất hiện trong tài khoản. Đây là số token được anh mua thêm hai ngày trước, nhằm chuẩn bị cho đợt phân phối miễn phí (airdrop) phiên bản Luna mới của dự án Terra.
Theo nhận định của anh khi đọc kế hoạch Terra 2.0, người nắm giữ càng nhiều Luna cũ sẽ được "tặng" càng nhiều Luna mới. "Sau khi biết tin đề xuất này được thông qua, tôi đầu tư vài trăm USD để mua thêm. Mục đích là để nhận càng nhiều Luna mới càng tốt, còn số Luna cũ tôi sẽ bán khi có lời hoặc thấy giá có dấu hiệu giảm", Phú kể.
Tuy nhiên, kế hoạch của anh Phú gặp lỗ hổng khi không tính tới tình huống sàn sẽ tạm ngừng giao dịch để thống kê số token mà người dùng đang sở hữu. Trong lĩnh vực tiền số, việc ghi lại trạng thái tại một thời điểm cụ thể được gọi là "snapshot".
Sàn Binance bắt đầu snapshot và airdrop với các ví nắm giữ token của dự án Terra từ 22h ngày 26/5 theo giờ Việt Nam và dự kiến hoàn tất vào ngày 30/5. Trong thời gian này, tài khoản Luna và UST của người dùng sẽ bị "đóng băng" và không thể thực hiện giao dịch hay rút, nạp token. Đó là lý do tài khoản của những người nắm giữ như Phú không còn xuất hiện token Luna.
Sau thời hạn trên, người dùng sẽ nhận được token Luna mới, đồng thời số Luna cũ được đổi tên thành Lunc và được tiếp tục giao dịch. Khi đó, họ nắm giữ đồng thời Lunc và Luna. Tuy nhiên, tỷ lệ Luna được phân phối cho những người mới mua như anh Phú không nhiều, chỉ chiếm 10% tổng cung và người dùng cũng chỉ nhận trước 30%, còn 70% còn lại sẽ được trả dần trong hai năm.
"Điều lo lắng nhất giờ là giá của Lunc lúc đó liệu có giảm so với Luna bây giờ hay không, cũng không rõ số Luna mới tôi sẽ được nhận đáng giá bao nhiêu", anh Phú nói. Hiện Lunc vẫn được giao dịch trên một số sàn nhỏ. Giá của token này đã giảm còn 0,00013 USD, thấp hơn 25% so với giá khi anh mua hai ngày trước. Anh xác định sẽ "mất tạm thời" số token này vì không thể làm gì. "Nếu biết là sàn sẽ ngưng giao dịch bốn ngày, có thể tôi sẽ bán số token này đi cho đỡ lo".
Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người trên cộng đồng Terra tại Việt Nam. Những câu hỏi như "tôi có mất số Luna trước đây không", "số lượng và giá mới sẽ thế nào", "Luna mới khác gì Luna cũ" ... xuất hiện nhiều trên các hội nhóm đầu tư tiền số tại Việt Nam những ngày gần đây. Bên cạnh một số người xác định "chơi xổ số" với token này và không quan tâm giá tăng hay giảm hoặc một số đã kịp chốt lời nhờ biến động giá thời gian qua, một nhóm không nhỏ người dùng khác lo lắng khi dự án này chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.
"Liệu có 'về bờ' được không các bạn ơi", thành viên có tên Thanh Hiếu đặt câu hỏi, đồng thời chia sẻ hình ảnh ví chứa hơn 20 triệu token Luna của mình. Hiếu cho biết số token này được anh mua với giá 3.000 USD, có lúc đã lãi hơn 20% nhưng chưa kịp "chốt lời". Giờ đây, anh phải đợi ít nhất đến 30/5 mới có thể biết kết quả.
"Với những gì Do Kwon và dự án Terra thể hiện thời gian qua, không có gì chắc chắn với số phận của các token này cả. Đâm lao rồi phải theo lao thôi", Hiếu nói.
Theo Nguyễn Tiến Bắc, quản trị viên một cộng đồng tiền điện tử hơn 170 nghìn thành viên tại Việt Nam, hai nguyên nhân khiến người chơi tiền số cố mua Luna những ngày qua là: tin rằng đồng tiền từng là "coin top" nên sẽ không "chết", và thứ hai là mua Luna cũ để được airdrop Luna mới. Đây là những động lực giúp tiền số này có lúc tăng giá hàng hàng chục phần trăm những ngày qua.
Tuy nhiên theo anh Bắc, khi các sàn đã snapshot và chốt số Luna mới xong, hệ sinh thái Terra cũ cũng được chuyển sang Terra mới, người dùng nắm giữ Lunc cũng không mang lại nhiều tác dụng, trong khi nguồn cung của token này hiện ở mức hàng nghìn tỷ coin.
"Nhiều người cho rằng Luna từng có giá hơn 100 USD, nên vẫn kỳ vọng đồng Lunc có thể tăng lên 0,01 hay 0,1 USD. Tuy nhiên, đây là mức tăng hàng nghìn lần hiện tại và rất khó khả thi", anh Bắc đánh giá.
Ngoài Luna, một tiền số khác là UST cũng được nhiều người mua khi đề xuất Terra 2 được thông qua hôm 25/5. Chủ sở hữu UST mới cũng sẽ được airdrop token Luna mới với tỷ lệ 15% nguồn cung, nhận trước 30% và nhận dần 70% còn lại trong hai năm. Ngoài ra, giá trị của token này cũng được nhiều người kỳ vọng tăng sau khi đề xuất đốt 1,3 tỷ UST được thông qua, bất chấp việc nhà sáng lập Do Kwon không có kế hoạch hồi sinh đồng "stablecoin" này.
Các sàn giao dịch đều đưa ra cảnh báo về việc giá trị của các token bất ổn định và khuyến nghị người dùng cần cân nhắc rủi ro nếu đầu tư. Tuy nhiên, số ví sở hữu và khối lượng giao dịch của các tiền số này đều tăng sau hôm 25/5. Theo số liệu trên CoinMarketCap, số lượng ví nắm giữ UST tăng từ 38 nghìn lên gần 41 nghìn sau ba ngày kể từ hôm 25/5. Khối lượng giao dịch UST cũng tăng bốn lần trong giai đoạn này, trong khi khối lượng giao dịch Luna cũ tăng khoảng hai lần.
Đề xuất hồi sinh Terra để tạo ra token Luna mới được nhà sáng lập Do Kwon đưa ra hôm 18/5, mười ngày sau khi dự án gặp sự cố khiến đồng UST mất mốc 1 USD và token Luna cũ cũng giảm gần 100%. Đề xuất này được thông qua với hơn 65% bỏ phiếu đồng ý, bất chấp sự phản đối từ các nhà đầu tư nhỏ.
Theo đề xuất này, dự án sẽ tạo một chuỗi Terra mới không có stablecoin thuật toán như UST trước đây. Chuỗi mới tên là Terra với token Luna, trong khi chuỗi cũ sẽ được đổi thành Terra Classic với token Luna Classic (Lunc). Nguồn cung Luna ban đầu sẽ là 116,7 triệu, sau một năm tăng lên 182 triệu. Token Luna mới sẽ được phân phối miễn phí cho các chủ sở hữu token Luna cũ, UST và các nhà phát triển ứng dụng của hệ sinh thái Terra Classic.